(VnMedia) - Dành phần lớn số tiền thưởng cuối năm để mua thực phẩm cho Tết; bỏ rất nhiều công sức để chế biến, nấu nướng các món ngon và cuối cùng là… ăn cố cho khỏi phí khiến các bà, các chị tăng cân vù vù sau mấy ngày nghỉ Tết và giờ đây là sự... ân hận.
Ân hận vì… ăn cố
Theo quan niệm phổ biến của người Việt, để chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết, mọi người thường mua sắm rất nhiều đồ thực phẩm. Từ gà, cá, thịt lợn, thịt bò, bánh chưng, giò chả, nem… đều được các bà nội trợ khuân về để phòng khi có khách. Năm nay, do kinh tế khó khăn nên nhiều bà nội trợ cũng đã cân nhắc hơn khi quyết định mua thực phẩm. Tuy nhiên, vì sợ lỡ có khách mà thiếu đồ ăn nên tủ lạnh nhà ai cũng vẫn chật ních.
Chị Thu (khu tập thể Quỳnh Mai, Hà Nội) cho biết, năm nay thưởng Tết của cơ quan rất ít nên lượng thực phẩm mua cho Tết đã được chị tính toán tiết kiệm hơn. “Mọi năm, em đặt đến cả chục chiếc bánh chưng, đôi cân giò, vài con gà, rồi thì lợn, bò, nem… cái gì cũng nhiều. Năm nay kinh tế khó khăn, em đã cắt giảm khá nhiều, tuy nhiên vì còn phải làm cơm Tất niên, rồi cúng giao thừa, sau đó là cơm cúng 3 ngày Tết, rồi thì khách khứa… nên em vẫn phải chuẩn bị tương đối nhiều thực phẩm. Nhưng làm ra thì nhiều mà ăn thì ít nên bữa nào cũng thừa. Chồng con không chịu ăn, chỉ có mình xót ruột, tiếc của nên cứ ăn cố. Sau một tuần nghỉ Tết, nhìn vào gương mà giật cả mình, người thì cứ căng phồng ra, còn mặt thì… tròn như cái đĩa” – chị Thu than thở và cho biết, ngày đầu năm mới gặp nhau ở cơ quan, chị đã vô cùng kinh ngạc ngắm hình mình trong bức ảnh mấy chị em "tự sướng".
Các món ăn ngày Tết đã khiến các bà, các cô... đau khổ vì lên cân |
Ăn cố, sợ đổ đi thì phí là đức tính tiết kiệm vốn rất đáng quý của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, đó là trong thời buổi khó khăn trước kia. Còn bây giờ, khi kinh tế đã khấm khá hơn và tình trạng… béo phì đang đe dọa nhiều phụ nữ thì tính cách này lại phát huy… mặt trái của nó. “Biết rằng ăn cố là không tốt cho sức khỏe, dễ dẫn đến thừa cân nhưng nhìn mâm cơm toàn đồ ngon trong khi tủ lạnh chật ních không có chỗ chứa, thế là lại chép miệng ăn cố. Cái tật tiếc của mãi không bỏ được. Ngày thường đã thế, ngày Tết còn nghiêm trọng hơn, vì toàn đồ bổ béo: nào thì nem rán, nào thì thịt nấu đông, canh móng giò ninh măng, rồi thì bánh chưng… Nhất là bánh chưng, sao mà nó làm mình tăng cân nhanh thế không biết” – chị Mỹ Hạnh (Khu tập thể Nam Đồng) giật mình hoang mang khi nhìn chiếc kim trên bàn cân cứ nhích dần lên… sau Tết.
Chuyện ăn Tết, lên cân không chỉ là than thở với nhau ở ngoài đời, mà nhiều người đã phải kêu trời cả trên… face book. Chị T.H hài hước viết về tình trạng lên cân của mình: “Mới có mấy ngày ngồi thiền trong phòng mà khúc cua miền trung đã hoàn toàn biến mất. Nghe lóc xóc trong đó tuyền bánh trưng, xôi, gà, măng, miến... Biết làm sao với đống váy áo bây giờ?”.
Trong khi đó, bạn P.Q chia sẻ: “Từ hôm 28 Tết đến giờ: Bánh gai, bánh chưng, giò xào, giò lụa, gà luộc, gà rán, nem chua, nem Phùng, xúc xích Đức, lạp xường Tây Bắc, thịt trâu, thịt lợn gác bếp, củ kiệu, dưa chua, nem rán, bò xào, trâu xào, bánh, kẹo, mứt bí, mứt táo, mứt gừng, mứt dừa, socola, bánh lưỡi mèo, hạt dẻ cười, hạt bí, kẹo lạc, kẹo vừng, táo mỹ, cam, dưa hấu, thanh long...Ôi, bao công lao tập luyện và bóp miệng giảm kg nửa năm qua của mình đã bay theo Tết Giáp Ngọ”.
Nguy cơ cho sức khỏe
Một số người, dù biết ăn nhiều sẽ lên cân nhưng đã tặc lưỡi: Thôi, Tết nhất cứ ăn uống cho thoải mái, sau Tết sẽ lên kế hoạch giảm cân sau. Tuy nhiên, nếu chỉ là vì sắc đẹp thì cái tặc lưỡi này tạm chấp nhận được, nhưng với những người có bệnh cần kiêng ăn như tiểu đường, bệnh thận… thì việc chỉ ăn nhiều trong và ngày Tết cũng để lại hậu quả không tốt.
Và Tuấn, 53 tuổi, ở phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình cũng rơi vào tình trạng tăng cân sau Tết. Con dâu bà Tuấn còn trẻ, lại làm việc ở đài truyền hình nên không khi nào chịu ăn thêm, dù chỉ là một miếng. Con trai bà lại càng không bao giờ ăn cố, bởi anh chàng này vốn là người rất khảnh ăn. Thế là, mọi “tội vạ” đều đổ vào đầu bà.
“Không kể bữa Tất niên và ngày 30 Tết, thì từ sáng mùng 1, ngày nào tôi cũng phải làm một mâm cơm cúng gia tiên, với đầy đủ thịt gà luộc, giò lụa, giò bò, canh măng nấu với móng giò, nem rán, rau xào thịt bò, canh bóng, bánh chưng, thịt bò luộc nước mắm. Ngần ấy thứ, hôm đầu cúng xong bày ra mỗi người còn ăn vài miếng. Từ hôm thứ 2 là thôi, ai cũng kêu chán, đòi ăn miến, ăn mì, ăn phở, rồi ăn cơm cá kho rau luột. Thế là gà luộc bò xào giò lợn nem rán bánh chưng xanh… chẳng ai động đũa. Nghĩ tiếc của, tôi lại phải một mình… chiến đấu với thức ăn. Một tuần nghỉ Tết, lên 2 cân… thịt. Bây giờ, dù hết Tết nhưng tôi vẫn chưa thể bắt đầu chiến dịch giảm cân, vì trong tủ vẫn còn mấy cái bánh chưng. Chẳng lẽ bỏ đi?, như thế thì phải tội chết.” – bà Tuấn nói và cho biết, sau Tết bà phải đi kiểm tra lại sức khỏe vì bà vốn bị gan nhiễm mỡ khá nặng và các bác sĩ đều khuyên không nên để tăng cân.
Chị Mai (Định Công, Hà Nội) cho biết, vừa qua mấy ngày Tết, vợ chồng chị phải đưa ông nội vào viện vì đường máu của ông tăng rất cao. Số là mấy ngày Tết, ông Chi, bố chồng chị Mai vì không giữ gìn cẩn thận, ăn nhiều bánh chưng - món khoái khẩu mà ngày thường hầu như ông không được bén mảng đến. Ngày Tết, vì phải đi thăm hỏi họ hàng, bạn bè nhiều nên sau khi thắp hương, chị bê nguyên cả mâm cơm cúng xuống, đậy lồng bàn rồi dặn bố chồng ở nhà tự ăn. Dù đã được con dâu dặn dò, nhưng vì không có ai “hạn chế” (mẹ chồng chị Mai đã mất), nên bố chồng chị cứ thoải mái ăn bánh chưng. Đến mùng 5 Tết, ông Chi đã phải nhập viện vì đường tăng lên bất thường. Bác sĩ cho biết, sau Tết, bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện như ông Chi tăng cao hơn hẳn ngày thường.
Ý kiến bạn đọc