Nhiều người nhập viện dịp Tết vì ăn tiết canh lợn

13:21, 07/02/2014
|

(VnMedia) Trong dịp Tết vừa qua, tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm vì ăn tiết canh lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều gia đình có thói quen mổ lợn nhà nuôi và vô tư ăn tiết canh lợn vì cho rằng lợn nhà không thể nhiễm bệnh.

Tuy nhiên thực tế, lợn nào cũng có nguy cơ mang vi khuẩn. Vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng). Vì thế, khi ăn thịt chưa nấu chín hoặc tiết canh từ con lợn này, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. 
Ngoài ra, việc cảm nhiễm vi khuẩn liên cầu phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như số lượng vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, có thể cùng ăn tiết canh nhưng có người mắc có người không.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Một người tử vong vì tiết canh lợn

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa qua bệnh viện tiếp nhận gần chục ca bệnh có tiền sử ăn tiết canh Tất niên sau đó có biểu hiện liên cầu lợn.
Đặc biệt, trong sáng mùng 1 Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nam (48 tuổi, Thái Bình) trong tình trạng nguy kịch. Bác sỹ Cấp cho biết, ca bệnh này diễn tiến rất nhanh, thể tối cấp

Chỉ sau một ngày sốt bệnh nhân đã tụt huyết áp, sốc dù chưa có những dấu hiệu điển hình của liên cầu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn

Trước đó, gia đình bệnh nhân trên có mổ lợn “sạch” do nhà tự nuôi. Có 5 người cùng ăn món tiết canh nhưng chỉ có bệnh nhân này nhiễm bệnh.


Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh bằng cách: không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc