Làm gì để ngăn ngừa bệnh cao huyết áp ở trẻ em?

08:47, 26/02/2014
|

(VnMedia) - Nhiều người nghĩ rằng, cao huyết áp chỉ xuất hiện ở người lớn. Tuy nhiên, thực tế trẻ em cũng là nạn nhân của "sát thủ" thầm nặng này. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cao huyết áp ở trẻ em?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2, cao huyết áp ở trẻ em ít được chú ý do quan niệm rằng trẻ em không thể mắc bệnh cao huyết áp. Vì thế khi trẻ em có những triệu chứng như: nhức đầu, ói, ù tai, hay chảy máu mũi, co giật thì thầy thuốc thường hay nghĩ đến một bệnh khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ em

-  Béo phì và thừa cân  làm tăng khả năng cao huyết áp gấp 3 lần, tình trạng béo phì và thừa cân ngày càng gia tăng và kéo theo đó là nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch và tiểu đường.

- Mắc các bệnh về thận.

- Bệnh hẹp động mạch thận.                       

-  Bệnh về động mạch chủ

 -  Xem tivi hay chơi game vi tính quá lâu sẽ có nguy cơ cao huyết áp.

Đối với trẻ sơ sinh cũng có thể bị bệnh huyết áp cao. Nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao ở trẻ sơ sinh là những biến chứng của sinh non như huyết khối trong động mạch thận hay loạn sản phế quản phổi. Nguyên nhân thường gặp khác ở trẻ sơ sinh là bất thường thận bẩm sinh và hẹp eo động mạch chủ.


Nguy hiểm đến tính mạng trẻ nếu không kiểm soát

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay số trẻ bị mắc căn bệnh người già này đang gia tăng. Thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị hôn mê sâu, co giật do bị cao huyết áp từ lâu mà gia đình không biết đến khi bé bị nặng mới đưa đến bệnh viện. Cái nguy hiểm của bệnh là phát triển âm thầm và không được chú ý, nhiều chỉ khi có biểu hiện như mệt mỏi, nôn ói, hôn mê, co giật gia đình mới đưa các cháu đến bệnh viện. 

PGS, TS Dũng cho biết căn bệnh cao huyết áp ở trẻ nguy hiểm không khác gì căn bệnh cao huyết áp ở người lớn tuổi. Các biến chứng như tiểu đường, bệnh lý về tim mạch, trụy tim, não đều do bệnh gây ra.  

Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, hợp lý, hạn chế ăn thực phẩm ăn nhanh, nhiều đường nhiều mỡ. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ.

- Chú ý lượng muối ăn trong chế độ ăn hàng ngày cho trẻ em từ 4- 8 tuổi là 1,2 g/ngày, trẻ lớn hơn là 1,5 g/ngày. Tránh ăn các loại thực phẩm làm sẳn không ghi rõ lượng muối (sodium, potassium) trên nhãn.

-  Tăng hoạt động thể lực, tập đi bộ đều đặn 30- 60 phút/ ngày sẽ làm giảm nguy cơ cao huyết áp và bệnh lý tim mạch.

- Khuyến khích trẻ bớt ăn ngọt, ăn mặn, tinh bột, chất béo, tăng ăn rau và thực phẩm có nhiều chất xơ.

-  Giới hạn thời gian xem tivi hoặc chơi game của trẻ dưới 2 giờ/ ngày.

Đối với trẻ em bị bệnh huyết áp cao nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, bỏ da bì khi ăn thịt, thêm đậu phụ và các loại đậu khác thay thịt. Uống sữa để bổ sung thêm canxi phòng loãng xương và thêm các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, trẻ cần được nghỉ ngơi, vui chơi vận động vừa sức, dùng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, khám đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc