Khẩn trương tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi

06:46, 16/02/2014
|

(VnMedia)Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 15/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường phòng, chống bệnh sởi tại 4 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2013, cả nước có 1.048 ca sở rải rác tại các tỉnh, thành phố và không có ca nào tử vong; đỉnh dịch vào tháng 5,7 và 11, trong đó 5 tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao là Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội (1 trường hợp), Yên Bái (2 trường hợp); số mắc tập trung tại các tỉnh, thành phố như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi do chưa đến tuổi tiêm chủng, chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi trong những năm trước đây. Đặc biệt, đợt dịch này đã xuất hiện nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) mắc bệnh. 

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh, đó là do người mẹ chưa mắc sởi bao giờ nên không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ qua nhau thai và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang. Do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho trẻ hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau vài tháng sau sinh. Ngoài ra, còn do bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, khi đó trẻ không được hưởng tính miễn dịch với sởi từ sữa mẹ truyền sang dẫn đến nguy cơ nhiễm sởi ở mức cao...

Tập trung tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trước tình hình dịch sởi hiện nay, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực có diễn biến dịch rộng và phức tạp, Bộ y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và đã cơ bản khống chế được dịch. Tuy vậy, do dịch thường diễn ra theo chu kỳ 3-5 năm; vắcxin sởi cũng như các vắc xin khác, chỉ có khoảng 85% trẻ em tiêm vắc xin lúc 9 tháng tuổi được bảo vệ phòng bệnh sởi.

Với tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi đạt khoảng 90% có khoảng 76% số trẻ sinh ra hàng năm được bảo vệ. Số còn lại nếu không được tiêm chủng mũi 2 vắcxin sởi lúc 18 tháng tuổi sẽ tích lũy và có khả năng gây dịch nếu có vi rút sởi xâm nhập... nên cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới.

Để khống chế dịch sởi trong thời gian ngắn nhất, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố đang có dịch triển khai ngay chiến dịch tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắcxin phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắcxin sởi, cũng như tăng cường giáo dục, truyền thông để người dân biết cách phòng bệnh cho bản thân, thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch sởi; các bà mẹ hiểu, yên tâm đưa con đi tiêm chủng.

Sau sởi, dịch thủy đậu tiếp tục tấn công

Những ngày đầu năm mới, dịch đã bùng phát đe doạ sức khoẻ của người dân. Tại Hà Nội, trong khi dịch sởi còn chưa được khống chế khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện thì bệnh thủy đậu đã lại xuất hiện tấn công người dân. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Hà Nội có khoảng 20 bệnh nhân bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ đến khám chữa bệnh thủy đậu tại phòng Khám bệnh của viện.

Theo tin tử  khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ trước Tết nguyên đán cho đến nay. Trung bình mỗi ngày cả khoa tiếp đón khoảng 20 ca, tương đương với cao điểm của mùa dịch thủy đậu những năm trước. Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng đa số đều chưa tiêm vắcxin phòng bệnh.

Ngoài ra tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trung bình mỗi tuần cũng có khoảng 10 bé bị thủy đậu đến khám. Đa phần là trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng nên đều được các bác sĩ kê thuốc, tự điều trị tại nhà.

Trong khi đó, tính riêng ngày 12/2, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận 40 bệnh nhân (BN) thủy đậu đến điều trị. Theo thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới cho thấy, số BN đến khám bệnh thủy đậu bắt đầu tăng nhiều và nhanh kể từ tháng 10/2013. Nếu như tháng 10/2013 chỉ có 235 ca bệnh thì tháng 11 và tháng 12 lần lượt tăng lên 288 và 378. Nhưng đến tháng 1/2014 đã vọt lên gần 600 BN và số BN trong tháng 2/2014 đang có xu hướng tăng mạnh hơn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh thủy đậu là do siêu vi gây ra, bệnh thường diễn ra theo mùa, khi thời tiết lạnh, ẩm chuyển sang ấm nóng thì sức đề kháng cơ thể giảm xuống tạo điều kiện cho siêu vi tấn công. Khi bị thủy đậu, các bóng nước sẽ gây ngứa khó chịu và sau năm đến bảy ngày khi bóng nước tróc vảy mới hết bệnh. Tuy nhiên, vì bóng nước quá ngứa nên người bệnh gãi thì bóng nước vỡ, dễ bị nhiễm trùng da và để lại sẹo xấu.

Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non, đầu nhỏ, mắt nhỏ. Và, nguy hiểm nhất là thai phụ sắp sinh mà bị thủy đậu sẽ lây cho trẻ vừa sinh ra. Lúc đó, sức đề kháng của trẻ yếu, trẻ càng dễ bị viêm phổi, suy hô hấp từ di chứng của bệnh thủy đậu.

Người mắc thủy đậu nên hạn chế hoạt động ở chỗ đông người. Đồ dùng như quần áo, khăn mặt cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng hay là ủi sạch sẽ để sát khuẩn. Thực tế, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân phải nhập viện vì ban mọc quá nhiều hoặc biến chứng nguy hiểmnhư: nhiễm trùng máu, suy hô hấp, hôn mê, viêm phổi, viêm não và có thể dẫn đến tử vong. 

Ttheo các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám chữa và điều trị ngay khi phát hiện triệu chứng của bệnh để hạn chế trường hợp xấu xảy ra, không nên chủ quan hoặc thờ ơ với bất kỳ biểu hiện nào của những loại bệnh này, nhất là với trẻ nhỏ. Chưa biết năm Giáp Ngọ sẽ có điều gì nhanh nhẹn, tốc độ như ngựa, chỉ thấy ngay rằng mới đầu năm mà các loại dịch bệnh đã "đuổi kịp" tốc độ bùng phát của nhau, gây lo lắng cho người dân khiến ngành y tế mới đầu năm đã vất vả.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc