Khẩn cấp phòng chống bệnh sởi, cúm A H7N9 và H5N1

07:23, 21/02/2014
|

(VnMedia) - Ngày 20/2, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cấp Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sởi, cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1).

Hiện nay, bệnh sởi đã bùng phát thành dịch trên địa bàn Hà Nội nhưng ở mức độ tự phát, lẻ tẻ. Từ tháng 12/2013 (sau 3 năm không có dịch) đến nay đã có 453 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 145 ca dương tính với bệnh sởi. Số bệnh nhân mắc sởi rải rác ở các xã, phường chứ không tập trung. 90% bệnh nhân chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ 2 liều, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 2 tuổi. Người nhỏ tuổi nhất mắc sởi là 1,5 tháng và nhiều tuổi nhất là 41 tuổi. Số bệnh nhân mắc bệnh sởi có thể vẫn tăng nhưng khó có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Đối với cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9), tại Việt Nam tuy chưa ghi nhận bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H7N9) nhưng đã có 2 trường hợp tử vong do cúm A (H5N1).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội là đầu mối của khách du lịch, trong đó, hàng ngày có khoảng 2.000 khách đến từ Trung Quốc - là quốc gia đang bùng phát dịch. Mặt khác, tình hình gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam diễn biến phức tạp nên nguy cơ dịch cúm A (H7N9) xâm nhập vào Hà Nội rất lớn và không loại trừ khả năng vi rút biến chủng lây từ người sang người và bùng phát dịch. Dịch cúm trên gia cầm ở Việt Nam cũng có nhiều diễn biến phức tạp với 11 tỉnh, thành phố ghi nhận có ổ dịch, gần Hà Nội nhất là Bắc Ninh đã ghi nhận có ổ dịch cúm trên gia cầm. Do đó nguy cơ xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở Hà Nội rất lớn và có thể xuất hiện trường hợp cúm A (H5N1) trên người.

Để phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Hà Nội đã chủ động lên phương án phòng chống dịch với các tình huống cụ thể đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật như tăng cường giám sát tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh đầu tiên để cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; củng cố duy trì các đội cơ động chống dịch; triển khai các biệp pháp giảm tử vong và tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người là trách nhiệm của mọi người

Bệnh Cúm gia cầm lây sang người - A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Theo thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới và cơ quan thú y các nước, năm 2013, dịch cúm gia cầm A(H5N1) đã xuất hiện tại 13 nước. Cam pu chia là quốc gia có số ca mắc cúm A(H5N1) tăng đột biến với 26 ca mắc, trong đó có 14 ca tử vong.

Ở Việt Nam, trong tháng 01/2014, đã ghi nhận 02 ca tử vong đầu tiên trong năm 2014 tại Bình Phước và Đồng Tháp do nhiễm chủng vi rút cúm A(H5N1) và có liên quan đến tiếp xúc, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm chết. Nguy cơ bùng phát dịch cúm A(H5N1) trở lại là rất lớn do vi rút vẫn lưu hành trên các đàn gia cầm, thủy cầm (tính đến ngày 15/02/2014 trên cả nước đang có dịch Cúm gia cầm 11 tỉnh gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai và Bà Rịa-Vũng Tàu).

Trong khi nhu cầu tiêu thu gia cầm, sản phẩm gia cầm trong các lễ hội, cộng đồng rất cao; việc tổ chức thực hiện kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, không rõ nguồn gốc chưa được thực hiện quyết liệt, gia cầm nhập lậu có chiều hướng gia tăng; nguy cơ lớn nhất do ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh chưa cao, đặc biệt trong việc sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện nghiêm túc và triệt để các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
-.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc