(VnMedia) - Ngày 23/2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết, trong tháng Một và tháng Hai năm nay, Bộ Y tế đã thành lập 9 đoàn công tác giám sát, chỉ đạo công tác sẵn sàng ứng phó dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 tập trung tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, các tỉnh, thành phố đang có dịch cúm trên gia cầm.
Tăng cường giám sát tại các cửa khẩu. Ảnh minh họa.
Theo đó, các đoàn cũng đôn đốc các địa phương thực hiện việc triển khai phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Đồng thời, Ngành y tế cũng tăng cường giám sát tại cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa, nhằm phát hiện những trường hợp mắc cúm A/H7N9. Được biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 130.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc và hiện không ghi nhận được trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 ở người.
Theo kết quả xét nghiệm hơn 5.650 mẫu bệnh phẩm tại các điểm giám sát cúm trọng điểm cho thấy chủ yếu là chủng virus cúm A/H3N2 chiếm 39%, tiếp đến là chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch chiếm 28% và chủng virus cúm B chiếm 33%; không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, và chưa phát hiện thấy hiện tượng biến đổi gen của virus cúm. Ngoài ra, các chủng virus khác như cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H9N2 cũng chưa phát hiện tại Việt Nam.
Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu; nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm; tổ chức thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời không để xảy ra tử vong đối với các trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
Bên cạnh đó, Ngành cũng kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giám sát chặt tình hình dịch cúm trên gia cầm; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch…
Nguyên tắc phòng chống bệnh cúm
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra các nguyên tắc sau nhằm giúp các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Theo đó, mỗi cá nhân cần tự có ý thức phòng bệnh bằng các biện pháp:
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống là yêu cầu được đặt lên hàng đầu: đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, không sử dụng thịt và các sản phẩm từ súc vật mắc bệnh, sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày.
- Hạn chế sự tiếp xúc với nguồn bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, súc vật mắc bệnh. Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc. Những người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng cúm cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên súc vật cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như phòng bệnh chống dịch SARS.
- Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến bạn đọc