(VnMedia) - Thịt là một trong những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt động vật như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm… có chứa nhiều axit amin, các chất béo, chất khoáng, vitamin... Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Các loại thịt khác nhau không chỉ hương vị khác nhau, mà còn có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Dưới đây là công dụng của các loại thịt:
Thịt gia cầm
Thịt gia cầm thuộc loại thịt trắng có nhiều protein, lipid, khoáng và vitamin hơn so với thịt đỏ. Phù hợp cho những người ăn kiêng vì lượng chất béo trong thịt gia cầm ít hơn so với các loại thịt khác nhưng nó vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt gia cầm không chứa chất béo trans (có nhiều trong các thịt màu đỏ đặc biệt thịt bò, thịt cừu), đây là chất béo được khuyến cáo không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, thịt gia cầm là nguồn cung cấp acid béo không bão hòa thiết yếu, trong đó đặc biệt là acid béo omega 3 (giúp phòng chống các bệnh tim mạch) mà các thịt khác không có. Đặc biệt, các loại chất béo này sẽ cao hơn ở thịt gà thả vườn vì chế độ ăn đa dạng hơn.
Ảnh minh họa. |
Thịt chim bồ câu
Ăn thịt chim bồ câu có thể kích thích ăn uống, tăng khả năng tuần hoàn máu, giúp tinh thần sảng khoái, thể lực sung mãn, da dẻ mịn màng, phòng chống được lão hoá và tóc bạc sớm... Thịt bồ câu ăn ngon, bổ dưỡng, nhất là chim non ra ràng. Do thịt chim bồ câu dễ tiêu hoá hơn các loại thịt gia cầm khác nên đối với người cao tuổi chức năng tiêu hoá kém và trẻ em, tác dụng bổ dưỡng của chim bồ câu càng rõ rệt.
Thịt bò
Thịt bò rất giàu chất sắt có tác dụng bổ sung lượng máu cho cơ thể và phòng tránh cơ thể bị thiếu máu. Ngoài ra, các axit linoleic cũng tham gia quá trình duy trì cơ bắp. Thịt bò thích hợp nhất cho những người có thể chất yếu hoặc trí não đang bị suy giảm. Thành phần axit amin, protein trong thịt bò là rất cần thiết cho cơ thể của con người. Do đó, nó có thể cải thiện sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật.
Tuy nhiên, các sợi cơ thịt bò không phải là dễ dàng được tiêu hóa và nó có chứa một hàm lượng lớn của cholesterol và chất béo. Do đó, người già và trẻ em không nên ăn quá nhiều.
Thịt lợn
Thịt lợn có hai loại thịt nạc và thịt mỡ. Thịt mỡ chứa nhiều chất béo trong khi lượng protein lại rất ít, nếu ăn quá nhiều loại thịt này sẽ dẫn đến chứng béo phì hoặc máu nhiễm mỡ. Phần lớn protein đều tập trung trong thịt nạc, ngoài ra, thịt nạc còn chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ Hemoglobin trong thịt hơn là Hemoglobin trong thực vật. Bởi vậy, thịt nạc có tác dụng bổ sắt hiệu quả hơn rau.
Do mô xơ của thịt lợn tương đối mềm và có chứa mỡ nên thịt lợn sẽ dễ tiêu hóa hơn thịt bò. Các chuyên gia cho rằng, ăn thịt nạc thường xuyên sẽ có hiệu quả trong việc giảm ho và việc chữa trị táo bón.
Thịt cừu
Thịt cừu không những được dùng chế biến món ăn ngon mà còn có lợi cho phổi, giảm tình trạng hen suyễn, viêm phế quản, tráng dương... Thịt cừu là nguồn cung cấp rất tốt về chất sắt vì chất sắt trong thịt ở dạng heme là dạng cơ thể dễ hấp thụ, cải thiện việc đưa oxy tới các cơ, bổ sung năng lượng, cải thiện khả năng ghi nhớ và tập trung của não. Thịt cừu thích hợp với phụ nữ và người thiếu máu. Kẽm và vitamin B12 có trong thịt cừu còn có tác dụng giảm cholesterol và ngừa loãng xương.
Ngoài ra nó còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ dạ dày. Đặc biệt, loại thịt này còn có lợi cho phổi, giảm tình trạng hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi hay nhiều chứng bệnh về hô hấp khác thường gặp vào mùa đông. Thịt cừu còn giúp tráng dương, mạnh gân cốt. Tuy nhiên, bạn phải chú ý rằng, thịt cừu không phải là thích hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người hay bị khó tiêu, ho, viêm khớp, eczema... Đặc biệt, thịt cừu chứa lượng purines khá cao (182mg/100 gram thịt) nên không thích hợp với người bị bệnh gout
Thịt hải sản
Thịt tôm, cá có chứa nhiều các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, nhôm, đồng, mangan, coban, niken, kẽm, iốt, clo, lưu huỳnh. Đây đều là những nguyên tố cần thiết cho cơ thể. Mặc dù hải sản chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều. Nếu ăn quá nhiều, dạ dày sẽ bị tổn thương và có thể dẫn đến một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa
Thịt rắn
Thịt rắn được xếp vào hàng những món ăn cao cấp và bổ dưỡng. Rắn có nhiều loài, loài có độc và loài không độc. Thông thường, người ta chỉ dùng phổ biến 3 loài là rắn hổ mang, rắn cạp nong hay cạp nia và rắn ráo. Thịt rắn chứa protid, nhiều acid amin, trong đó có những loại cần thiết cho cơ thể như leucin, lysin, arginin, valin, chất mỡ và chất saponosid.
Rắn từ lâu, thịt rắn đã được công nhận là một vị thuốc quý. Dược liệu có vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính ấm, vào kinh can, có tác dụng khử phong, giảm đau, trừ thấp, tiêu độc chữa các bệnh thần kinh đau nhức, bán thân bất toại, khớp xương sưng đau, chân tay tê mỏi, kinh phong, nhọt độc, lở loét, giang mai, tràng nhạc. Tuy nhiên, món này không tốt cho những người suy thận, cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác.
Ý kiến bạn đọc