(VnMedia) - Ngày 15/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã có quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại huyện Bảo Thắng.
Theo quyết định được công bố, vùng bị dịch uy hiếp, gồm các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Vùng đệm là huyện Si Ma Cai.
Trước đó cúm A/H5N1 đã xảy ra tại hộ chăn nuôi bà Lý Thị Long, thôn Phú Thịnh 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng.
Được biết, Chi cục Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi chẩn đoán xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Nguyên nhân do hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi và chính quyền một số địa phương còn chủ quan lơ là. Đặc biệt, do nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi trở lại sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao nên người chăn nuôi mua gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm mang trùng từ nơi khác về không báo cho cơ quan thú y, làm phát sinh dịch bệnh.
Ảnh minh họa.
Ngay sau khi phát hiện có dịch cúm trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong cộng đồng về tác hại, nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, các quy định vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh trên gia cầm và lây sang người; tuyên truyền cho người dân thực hiện “5 không” (không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc); đặc biệt không ăn tiết canh gia cầm, thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín. Khi có gia cầm ốm, gia cầm chết, các hộ chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
Cùng với việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch cúm gia cầm để xử lý kịp thời, các địa phương cần tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, nghiêm cấm việc giấu dịch. Địa phương nào giấu dịch, để dịch xảy ra trên diện rộng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tỉnh cũng giao Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, không để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm nghi mắc bệnh, tiêu độc khử trùng và quản lý chặt chẽ vùng dịch; huy động lực lượng của các cơ quan chuyên môn, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, tăng cường sự phối hợp với cơ quan thú y trong việc kiểm tra, giám sát báo cáo dịch bệnh ở cơ sở, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy và tiêu thụ gia cầm ốm trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân huyện phải thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tổ kiểm soát cơ động để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kiên quyết không để vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào vùng dịch.
Mặt khác, tạm thời dừng việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào huyện Bảo Thắng. Trong trường hợp bắt buộc phải vận chuyển qua vùng dịch, tỉnh yêu cầu phải thực hiện theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và cơ quan thú y.
Nguy cơ lây truyền virus cúm H7N9 từ Trung Quốc qua Lào Cai là khá cao, vì tỉnh này có hơn 200km đường biên giới, với một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở trên đất liền... Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu gà, trứng gà, nội tạng động vật có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn diễn ra phức tạp tại các lối mở dọc hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 4538/CT-BNN-TY ngày 20/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8; văn bản số 179/BNN-TY ngày 20/1/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển qua biên giới; văn bản số 92/KH-UBND ngày 08/1/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8.
Ý kiến bạn đọc