(VnMedia) - Ngày 25/2, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học "Phòng chống các bệnh liên quan đến Amiăng”.
Ảnh minh họa.
Amiăng được biết đến từ nhiều thế kỷ nay và đang được sử dụng trong hàng nghìn loại sản phẩm thương mại, công nghiệp và gia dụng ở các nước trên thế giới. Aminăng được sử dụng làm vật liệu xây dựng, ống dẫn nhiệt, bao bọc nồi hơi, cách nhiệt và cách âm, tấm lợp... nhờ có tính bền, cách nhiệt, cách âm và chống ma sát cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Amiăng là một trong các yếu tố bụi vô cơ gây độc hại cho người lao động tiếp xúc trong quá trình sản xuất. Tác hại của Amiăng là gây nên các triệu chứng bệnh hô hấp, bệnh bụi phổi, mảng màng phổi, dày màng phổi, canxi hóa màng phổi và ung thư trung biểu mô.
Nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian làm việc càng dài thì tỉ lệ bệnh càng lớn. Tỉ lệ ung thư phổi, ung thư trung biểu mô cao ở nhóm người tiếp xúc với Amiăng trên 30 năm.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng của Amiăng lên sức khoẻ người lao động, năm 1986 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phê chuẩn Công ước số 162 và Khuyến nghị số 172 về sử dụng an toàn amiăng. Đến năm 2002, trên thế giới đã có 13 nước cấm sử dụng Amiăng, 4 nước đang chuẩn bị cấm và 26 nước ký thông qua Công ước số 162 của ILO. Khi sử dụng Amiăng làm vật liệu (xây dựng) cũng như trong quá trình khai thác, có thể gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khoẻ của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống trong những công trình đó, thậm chí ô nhiễm môi trường sinh hoạt gây tác động rộng trong cộng đồng dân cư.
Tại Việt Nam, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có liên quan đến Amiăng là khoảng 11.000 người, trong đó nam giới chiếm khoảng 80%. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sử dụng lượng Amiăng lớn nhất trên thế giới, hoàn toàn có nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến tiếp xúc với Amiăng. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng còn những khó khăn do thời gian ủ bệnh kéo dài (20-30 năm), gây khó khăn cho công tác quản lý hồ sơ, theo dõi và khám phát hiện bệnh; nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng đối với tác hại của Amiăng còn hạn chế; việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động ở nhiều cơ sở sử dụng, tiếp xúc với amiăng còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, hiện nay mới chỉ có bệnh bụi phổi Amiăng thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, bên cạnh hoàn thành Dự thảo hướng dẫn tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định bệnh ung thư trung biểu mô để bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm, Bộ Y tế cũng đã có đề xuất trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường, sửa đổi, bổ sung về việc cấm sử dụng các chất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng khi phá dỡ vật liệu xây dựng.
Ý kiến bạn đọc