(VnMedia) - Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan y tế các nước, tình hình các dịch cúm tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Phòng tránh dịch bệnh trong dịp Tết.
Mới đây tại Trung Quốc đã có 1 ca nhiễm cúm A(H10N8) và đã tử vong, chủng vi rút này đã được tìm thấy trên chim hoang dã và đã có sự biến đổi, có khả năng lây lan sang người; Tại Đài Loan đã phát hiện chủng vi rút cúm A(H6N1) trên một bệnh nhân nữ.
Năm 2013, tại Campuchia có 26 người nhiễm cúm A(H5N1) với 14 người tử vong, tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan cũng có 38 người nhiễm cúm A(H5N1) với 24 người tử vong. Về cúm A(H7N9), năm 2013 tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan có 147 người bị nhiễm, trong đó có 47 người tử vong và từ đầu năm 2014 đến nay vẫn ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới và tử vong do cúm A(H7N9), tính đến ngày 28/01/2014, đã có 244 ca mắc cúm A(H7N9), trong đó Trung Quốc: 239 ca, Đài Loan: 2 ca, Hồng Kông: 3 ca và tổng cộng có 56 ca tử vong.
Tại Việt Nam, ngày 20/1/2014 đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2014 do nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Phước. Về cúm A(H7N9), cho đến nay, vẫn chưa phát hiện nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người.
Tuy nhiên, cúm A(H7N9) là một dịch bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn do: số ca mắc gia tăng đột biến trong những tuần đầu tháng 1/2014 tại Quảng Đông, Trung Quốc - nơi có nhiều người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán; vi rút cúm A(H7N9) lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm; Việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc rất khó kiểm soát, đặc biệt là trong dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém, chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ ở nhiều nơi là nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh.
Để đảm bảo đón tết, vui xuân an toàn, không dịch bệnh, theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế người dân cần thực hiện các nội dung sau:
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Không ăn thịt gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm, chết.
- Không ăn tiết canh, trứng lòng đào, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đã được nấu chín kỹ.
- Đảm bảo vệ sinh trong giết mổ, vận chuyển gia cầm, sử dụng các thiết bị phòng hộ cá nhân (găng tay, ủng, khẩu trang…) khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm.
- Tăng cường rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thông thoáng nhà cửa.
- Khi có các biểu hiện ho, sốt, đau ngực… phải báo cáo và đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện và xử trí kịp thời.
- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho thú y/chính quyền địa phương và phối hợp để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Ý kiến bạn đọc