Sẽ có trạm kiểm nghiệm thực phẩm tại chợ

07:25, 17/01/2014
|

(VnMedia)  - Ngày 16/1, trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác an toàn thực phẩm năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết và phải ngăn chặn ngay từ đầu vào, không thực hiện theo phong trào.

Bên cạnh việc thực thi nghiêm các quy định, chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế cụ thể, rõ ràng trong huy động nguồn lực xã hội vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các bộ, ngành phải khẩn trương ban hành những thông tư, hướng dẫn trong lĩnh vực ATTP, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương khi thực hiện.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết hiện Thành phố có 57.902 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó cấp xã/phường/thị trấn quản lý 47.269 cơ sở; tuyến quận/huyện quản lý 8.240 cơ sở; tuyến Thành phố quản lý 2.399 cơ sở. Trong năm 2013, các cơ quan chức năng của Thành phố đã thanh tra 132.511 lượt cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt ATTP 83,2%; xử lý vi phạm trên 12 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm đạt 69%; 84% bếp ăn tập thể ký cam kết đảm bảo ATTP.

Phó Thủ tướng đánh giá kết quả công tác đảm bảo ATTP của Hà Nội cho thấy Thành phố đã thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, và cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm cụ thể của địa phương cũng như bộ, ngành.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề ATTP lâu nay chúng ta nói nhiều, người dân cũng cảm thấy không hài lòng. Chúng ta mới nói nhiều đến góc độ ngộ độc nhưng có những thứ không gây ngộ độc ngay mà tích tụ chất độc trong người nên vô cùng nguy hiểm. Và điều này người dân chưa được cảnh báo đúng lúc.

Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi  sự dũng cảm, quyết liệt, kiên trì và phải ngăn chặn ngay từ đầu vào, không thực hiện theo phong trào.
Tại nhiều làng trồng rau, người dân hoàn toàn biết ai phun thuốc, sử dụng chất cấm, ai không, vấn đề là địa phương cần phải vận động, tuyên truyền, phân tích rõ lợi, hại cho họ. Đồng thời có những giải pháp để quảng bá, mở rộng thị trường cho những cơ sở sản xuất đảm bảo ATTP thay vì chỉ tập trung vào xử lý, răn đe, Phó Thủ tướng phân tích.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý phải hết sức chú trọng hoạt động tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy tính thiện trong từng con người, từng cá nhân sản xuất, vận chuyển, kinh doanh nông sản, thực phẩm, đừng vì lợi ích trước mắt mà đầu độc, gây hại cho sức khỏe của nhiều người, nhiều gia đình. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương (NNPTNT, Y tế, Công Thương) phải chủ động, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn cụ thể trong công tác bảo đảm ATTP. Cụ thể như hướng dẫn kiểm nghiệm chất lượng ATTP, cơ chế thu giữ, tiêu hủy gia cầm nhập lậu; kiểm soát chất lượng rượu…


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Lập trạm kiểm nghiệm thực phẩm tại chợ

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất khó khăn, đặc biệt ở các chợ tạm, chợ cóc. Chỉ tính riêng đợt thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) đợt tết Giáp Ngọ, TP Hà Nội đã xử lý 398 vụ vi phạm. Đặc biệt tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo an toàn từ các tỉnh khác vào Hà Nội vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại rằng, khi ở Trung Quốc có bệnh liên quan đến gia cầm thì họ không ăn, giá tụt xuống, trong khi gà trong nước giá vẫn cao nên nguy cơ buôn lậu gia cầm sẽ gia tăng. Hiện gia cầm lậu đang áp sát biên giới nước ta. Đây không chỉ là vấn đề gia cầm lậu mà còn liên quan đến sức khỏe của người dân. Bộ trưởng đề nghị cần ngăn chặn gia cầm tràn về Hà Nội ngay từ các tỉnh biên giới và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, ông Phát cũng đề nghị TP Hà Nội giám sát chặt chẽ vùng rau không an toàn, các cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn, các chợ đầu mối… vì đây chính là nơi thực phẩm bẩn tuồn vào mâm cơm của người dân. “Chúng ta không thể nhẹ tay với những người cung cấp thực phẩm bẩn cho người dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị nghiên cứu mô hình xã hội hóa phòng kiểm dịch thực phẩm tại các chợ lớn để giúp người dân nâng cao ý thức, tự bảo vệ sức khỏe của mình. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội đầu tư làm thí điểm đặt máy kiểm định ATTP trước hết tại các chợ đầu mối; nghiên cứu, đề xuất cơ chế để xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm ATTP; công khai cơ sở, cá nhân vi phạm, huy động các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia giám sát công tác đảm bảo ATTP.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc