Nhiều người vẫn vi phạm quy định về cấm hút thuốc lá

06:30, 16/01/2014
|

(VnMedia) - Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho biết, hiện công tác PCTHTL tuy đã được quan tâm và tăng cường, tuy nhiên hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại các điểm công cộng còn xảy ra khá nhiều; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao…


Ảnh minh họa



Đó là thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo cập nhật tình hình triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) do Bộ Y tế và tổ chức HealthBridge Canada tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội.

Ông Khuê cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được thực hiện khá rầm rộ trong thời gian qua, tuy nhiên mới chỉ tập trung tại một số kênh truyền thông trung ương. Do vậy, các thông tin về quy định của Luật chưa được truyền thông rộng rãi trong cộng đồng, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm được các quy định của Luật. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành y tế và các tổ chức ban ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền và thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại các địa phương

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay thì việc tăng thuế sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để để giảm nhu cầu hút thuốc lá của người dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá, cao hơn số người chết vì tai nạn giao thông, dẫn đầu các nguyên nhân gây tử vong. Con số này sẽ tăng lên trên 50.000 ca hàng năm vào năm 2023, chưa kể đến các trường hợp hút thuốc thụ động.

Theo cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tương lai 10% dân số Việt Nam nghĩa là vào khoảng 7,5 triệu người Việt Nam có nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá. Theo ông Khuê, mục tiêu đến năm 2020 mà Bộ Y tế đề ra là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Cụ thể, giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên (từ 15 đến 24 tuổi), từ 26%/năm 2011 xuống còn 18% năm 2020; nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc