(VnMedia) - Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản về đánh giá trường hợp bé T.Q.T hơn 2 tháng tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, tử vong sau tiêm vắcxin 6 trong 1 dịch vụ Infanrix-Hexa.
Tiêm phòng cho trẻ. Ảnh minh họa.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trường hợp bé T.Q.T tử vong là trường hợp bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên sau tiêm chủng không liên quan với vắcxin 6 trong 1 Infanrix-Hexa.
Trước đó, cháu được gia đình đưa đến Phòng tiêm chủng số 3 tiêm vào hồi 14 giờ ngày 8/1. Trước khi tiêm, bác sỹ khám sàng lọc cho biết, cháu có thể trạng tốt, tỉnh táo, nhiệt độ 36,8 độ C và được chỉ định tiêm vaccine Infanrix-Hexa. Sau tiêm, trẻ được theo dõi 30 phút, sức khỏe bình thường.
Trong ngày 8/1, trẻ vẫn bú tốt, ngủ bình thường, đến 15 giờ ngày 9/1, trẻ húng hắng ho nhưng không sốt; 9 giờ ngày 10/1, trẻ ho nhẹ, không sốt nhưng quấy khóc nhiều, 11 giờ cùng ngày gia đình đưa trẻ vào BV Nhi Trung ương.
Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm cơ tim, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp. Đến 16 giờ 30 phút ngày 10/1, tình trạng sức khỏe của trẻ không cải thiện, dù được điều trị tích cực nhưng trẻ đã tử vong lúc 2 giờ 15 phút ngày 11/1 với chẩn đoán suy tuần hoàn/bệnh cơ tim giãn.
Ngày 15/1, Sở Y tế Hà Nội đã họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế xem xét đánh giá trường hợp bé T.Q.T phản ứng sau tiêm vắcxin Infanrix-Hexa tại phòng tiêm chủng số 3 (số 23 Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông, Hà Nội) thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.
Sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã điều tra phản ứng sau tiêm chủng, các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng tiêm trên thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, bảo quản đúng quy định. Sổ sách theo dõi xuất, nhập vắcxin ghi chép đầy đủ, thực hiện lưu vỏ lọ vắcxin, bơm kim tiêm 14 ngày sau tiêm, không có sai sót chuyên môn.
Ông Hạnh cho hay, ngày 8/1, có 88 trẻ tiêm vắcxin Infanrix-Hexa, ngoài bé T.Q.T trên. Vắcxin Infanrix-Hexa (số lô A21CB944A) được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhập từ Công ty trách nhiệm hữu hạn vắcxin Thiên Y với tổng số 8.642 liều, xuất cho 3 phòng tiêm của Trung tâm Y tế dự phòng và một số quận, huyện, sử dụng 8.228 liều. Trong đó, phòng tiêm 23 Nguyễn Viết Xuân nhận 2.509 liều, đã tiêm 2.286 liều).
Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào về phản ứng sau tiêm chủng ngoài trường hợp bé 2 tháng tuổi trên. Hội đồng tư vấn chuyên môn qua đánh giá đã kết luận phòng tiêm 23 Nguyễn Viết Xuân được phép tiêm chủng vắcxin dịch vụ. Vắcxin này được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2006, với 800.000 liều đã sử dụng. Cho đến nay vắcxin này mới chỉ ghi nhận 32 trường hợp phản ứng sau tiêm nhưng tự khỏi.
Ý kiến bạn đọc