(VnMedia) - Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, thức uống như bánh, mứt, kẹo… Tuy nhiên, bên cạnh đó các gia đình cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng.
Trà gừng
Bạn có thể mua sẵn trà gừng để phòng cảm lạnh. Mỗi lần uống pha 2 gói với 60ml nước sôi, để 10 phút sau mới uống.
Thuốc cảm sốt
Cảm sốt là rối loạn thường gặp và thường do cảm cúm với các triệu chứng như sốt và đau nhức (nhức đầu, nhức mình mẩy, chân tay).Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nên dùng thuốc paracetamol. Đây là thuốc dùng tương đối an toàn hơn cả. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, nhiều người chúc rượu, vì vậy cần lưu ý, việc uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì không được uống rượu.
Lưu ý, cách sử dụng paracetamol cũng rất quan trọng, vì nếu bạn dùng quá liều sẽ gây độc cho gan của trẻ. Nên dùng thuốc hạ sốt khi bé sốt >38,5 độ C; Liều dùng phải tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 - 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của bé. (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ gây hại cho gan của bé, còn ít hơn thì không hạ được sốt; Mỗi lần uống thuốc hạ sốt cách nhau từ 4-6 tiếng, sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu bé chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân hoặc sốt cao >39 độ thì đưa bé đến bác sỹ.
Thuốc cảm
Cảm cúm là một bệnh lý do siêu vi trùng gây ra với các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm với các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng khác như đau cơ và sốt có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ. Bệnh thường được gọi là bệnh viêm mũi, song lại có liên quan đến phần niêm mạc của xoang, vì vậy còn được gọi là bệnh viêm mũi - xoang. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là rhinovirus song cũng có thể do rất nhiều loại virus khác.
Các bậc cha mẹ nên dự trữ một số thuốc trị cảm cúm thông thường có nguồn gốc thảo dược cho trẻ, tiện dụng có dạng Siro dành cho trẻ em.
Ảnh minh họa.
Các thuốc về tiêu hóa
Ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày của nhân dân ta bị thay đổi hẳn rất dễ xảy ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu (người bệnh cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày) hoặc bị tiêu chảy (do ăn phải thức ăn bảo quản không tốt)…
Để phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ trong dịp Tết, các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bằng cách chuẩn bị thêm một số sản phẩm hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hoá, giúp ổn định hệ vi khuẩn đường ruột cho trẻ như men vi sinh ... Hiện nay trên thị trường có bán nhiều sản phẩm bổ sung men vi sinh có nguồn gốc khác nhau, vì vậy cha mẹ nên lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng.
Thuốc chống tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, việc đầu tiên là cần pha 1 gói oresol vào trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội cho tan hết rồi uống để bù nước và điện giải, đồng thời tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra. Nếu thấy tình trạng tiêu chảy nặng, cần phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập. Trong trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay bằng nước cháo muối, hoặc đường muối (pha 1 thìa cà phê muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước) sẽ được dung dịch để uống khi bị tiêu chảy. Một số kháng sinh thường được dùng trong tiêu chảy cấp do vi khuẩn như co-trimoxazol (biseptol, bactrim), berberin…
Thuốc về hô hấp
Vào dịp Tết, khí hậu miền Bắc nước ta thường lạnh và ẩm ướt, lại hay thay đổi đột ngột, trời đang nồm, bất chợt gió mùa đông bắc gây nên rét buốt làm rối loạn khả năng chống đỡ với bệnh tật, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Các triệu chứng như ngạt mũi, ho dễ xảy ra. Một số thuốc thường dùng để giảm ho như terpin, codein… Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi). Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.
Thuốc chống dị ứng thức ăn. Bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng. Trong trường hợp không có sẵn thuốc, có thể uống nước sắc lá tía tô tươi, 3 lần/ ngày.
Các loại thuốc khác
Đối với những người có bệnh mạn tính, ngoài việc có sẵn các thuốc thông thường trên, cần lưu ý về việc bổ sung số lượng thuốc cho đầy đủ với bệnh của mình. Các thuốc này đương nhiên đã được bác sĩ kê đơn và người bệnh cần tuân thủ dùng.
Thuốc huyết áp: Các thuốc chống huyết áp thường dùng như nifedipin, amlodipin… có cơ chế là gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp, dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể. Cần dùng các thuốc chống huyết áp này vào 1 giờ nhất định. Thuốc được sử dụng trong 1 ngày nên phân chia thời gian dùng cho hợp lý. Nếu thuốc phải sử dụng 2 lần/ngày mà 8 giờ sáng uống 1 lần thì đến 8 giờ tối sẽ uống lần tiếp theo. Tránh phân chia thời gian uống thuốc theo bữa ăn.
Thuốc đái tháo đường: Các thuốc thường dùng như metformin, sulfonylurea… Cần lưu ý, đái tháo đường là một bệnh mạn tính, việc dùng thuốc gắn với người bệnh như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Đừng vì bận rộn mấy ngày Tết mà quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng giờ, bởi nếu quên không uống thuốc dễ gây ra tai biến do đường huyết tăng cao, làm ảnh hưởng tới không khí vui xuân trong gia đình.
Để dùng thuốc an toàn trong dịp Tết, với các thuốc điều trị bệnh mạn tính, người bệnh cần tuân thủ đúng về số lần dùng và liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các thuốc thông thường (không cần phải kê đơn) trên, khi dùng, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ hay nhân viên y tế và cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị thuốc nhỏ mắt thông thường, nước muối để rửa mắt khi bị khói hay bụi vào mắt. Dùng Chloraxin khimắt đỏ có ghèn là loại kháng sinh nhẹ. Dùng V Rohto khi ngứa đỏ mắt, chống dị ứng. Dùng Refresh, Sanlene khi khô mắt do đi đường nhiều. Đây là các loại nước mắt nhân tạo. Đồng thời, cần chuẩn bị các loại bông băng gạc và thuốc sát khuẩn: như bông gòn, ôxy già để rửa các vết thương, băng vô trùng Urgo Sterile để băng các vết thương .
Bên cạnh việc chuẩn bị các loại thuốc, cần sắp xếp ngăn nắp, để riêng thuốc trẻ em và người lớn. Chỗ cất thuốc phải khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp.
Ý kiến bạn đọc