(VnMedia) - Ngày 20/12, tại Lễ ra mắt Chương trình “Con đường thuốc Việt”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Yêu nước thì người Việt phải dùng thuốc Việt".
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai đề án "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt Nam". Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ ngành dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định.
Trong những năm qua, ngành dược đã có những cố gắng lớn, sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Các nhà máy dược phẩm đã đầu tư những dây chuyền hiện đại, sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắcxin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao trong khi giá thành rẻ hơn hẳn so với thuốc ngoại nhập cùng loại. Bộ trưởng khẳng định rằng: "Yêu nước thì người Việt phải dùng thuốc Việt".
Việc ra mắt chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc trong việc chỉ định sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí trong điều trị; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao vị thế ngành công nghiệp dược Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế phát triển đất nước.
Bộ trưởng tin rằng chương trình "Con đường thuốc Việt" sẽ thành công, người dân sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, hiệu quả của các thuốc sản xuất tại Việt Nam và sử dụng các loại thuốc này trong chữa bệnh, góp phần giảm chi phí, nhất là đối tượng người nghèo và người chưa có bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý Cục Quản lý Dược và doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước bên cạnh các giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về thương mại, cần có giải pháp về kỹ thuật; các nhà sản xuất dược trong nước cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá sinh khả dụng và tương đương sinh học của thuốc nhằm chứng minh hiệu quả điều trị của sản phẩm tương đương với thuốc biệt dược gốc…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ ra mắt Chương trình "Con đường thuốc Việt"
Người Việt chi hơn một nửa tiền mua thuốc ngoại
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Công nghiệp dược nội địa đã có bước phát triển, với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, nhiều sản phẩm dược Việt Nam đã xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất, nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng cả ở bệnh viện cũng như trên thị trường tự do đều chưa cao, chỉ xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường. Theo tính toán, bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600 nghìn đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó chi cho thuốc ngoại.
Trong những năm qua, ngành dược đã có nhiều cố gắng rất lớn, sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Các nhà máy dược phẩm đã đầu tư những dây chuyền hiện đại , sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao trong khí giá cả rẻ hơn hẳn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, trước đây việc tuyên truyền chưa bài bản, chưa liên tục, thiếu chiều rộng, chiều sâu nên hiệu quả chưa cao, thuốc Việt chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ luôn đồng hành với Bộ Y tế, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc dùng thuốc sản xuất trong nước.
Chương trình “Con đường thuốc Việt” với mong muốn mỗi năm bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng.
Ý kiến bạn đọc