(VnMedia) - Ngày 26/12, tại hội thảo khoa học "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế" TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh mô hình hệ thống tổ chức y tế ở Việt Nam hiện nay là phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc.
Trách nhiệm của địa phương khi có sai phạm y tế?
Mỗi khi có “sự cố” đó về y tế xảy ra, người ta thường đổ hết lỗi lên đầu ngành y tế. Nhưng ít ai biết rằng, song trùng với Bộ này, vai trò của chính quyền – Cơ quan địa phương là vô cùng quan trọng.
Và lần đầu tiên vấn đề này được đưa tại Hội thảo khoa học “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế” vừa được Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh mô hình hệ thống tổ chức y tế ở Việt Nam hiện nay là phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Theo các quy định đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng nhưng trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng và minh bạch. Bà Tiến cũng nhấn mạnh, hiện nay việc phối hợp giữa ngành y tế với chính quyền địa phương tốt, tuy nhiên vẫn có vài sự vụ chưa được rõ ràng.
Sau hàng loạt biến cố liên tiếp xảy ra trong ngành y tế, ngày 26/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định trước báo chí, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Về vụ 3 trẻ nhỏ tử vong sau khi được tiêm vắcxin tại Quảng Trị, bà Tiến cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) khẳng định: Vắc xin vô tội, ngành công an đã vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các nhân viên y tế đã làm sai quy trình tiêm chủng. Đối với chủ trương tăng cường phát huy tác dụng của đường dây nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: Có cả luồng ý kiến phản ánh về thái độ ứng xử của các cán bộ, bác sĩ trong ngành làm chưa tốt, cũng có cả những phản ánh về những tấm gương những người thầy thuốc tận tụy, vô tư đối với người bệnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như thực trạng quản lý nhà nước về y tế; trách nhiệm của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có vụ việc xảy ra; phân định trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong công tác y tế..
Để lấy lại niềm tin trong dân, theo bà, ngành y trước tiên phải củng cố lại đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Chất lượng dịch vụ y tế cũng là một vấn đề cần được nâng cao. Một trong những điều cần thiết là giá cả các khoản dịch vụ y tế phải được tính toán đầy đủ hơn nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Thị KIim Tiến phát biểu tại Hội thảo khoa học "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế". |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một số điểm đạt được của ngành y trong năm 2013 cần kể đến là việc ban hành nghị định xử phạt về an toàn thực phẩm, xử phạt trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt là quyết định nghĩa vụ của cán bộ y tế phải xuống y tế cơ sở ít nhất 1 năm và đề án thí điểm cán bộ tốt nghiệp loại giỏi phải về 63 huyện nghèo; ban hành được nghị quyết chăm sóc người có thai sản tại nhà; nghị định đổi mới cơ chế tài chính hay ban hành danh mục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và hàng loạt thông tư liên quan đến việc hành nghề y dược…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ đã cử 5 Thứ trưởng dẫn đầu 5 đoàn đi thanh tra, kiểm tra việc hành nghề y dược (trong đó có nhóm thực phẩm chức năng), kết hợp với hàng chục đoàn thanh tra của địa phương sẽ liên tục đi kiểm tra, thanh tra hoạt động của những cơ sở sản xuất, kinh doanh về thực phẩm.
Nếu phát hiện ra cơ sở vi phạm sẽ công khai ngay tên tuổi, địa chỉ rộng rãi. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản. Đồng thời triển khai trên diện rộng để đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản và kiểm soát chặt hơn ATTP mặt hàng này. Bộ Y tế cũng kết hợp với một số bộ, ngành khác tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các tỉnh có biên giới.
* Về việc giảm tải bệnh viện, không thể giảm ngay mà cần có lộ trình. Hiện nay, Bộ Y tế đang xúc tiến thực hiện tốt Đề án giảm tải bệnh viện; bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viên chuyên khoa; mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Đặc biệt, Chính phủ vừa phê duyệt hơn 20.000 tỷ đồng để xây mới 5 bệnh viện (3 bệnh viện trong TP.HCM và 2 bệnh viện ở ngoài Bắc), chắc 3 năm nữa sẽ hoàn tất. Bộ Y tế cũng sẽ giám sát chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện bằng bộ 83 tiêu chí đánh giá khá ngặt nghèo, được thế giới đánh giá cao. Bà Tiến khẳng định, ngày nào tôi còn ở vị trí này thì ngành y tế không có tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Ý kiến bạn đọc