Người "ngáo đá” thường cho mình vĩ đại, gây bạo lực

15:15, 27/12/2013
|

(VnMedia) - Người lạm dụng mathemphetamine (một loại ma túy tổng hợp mà giới trẻ hay gọi là “ngáo đá” hay “hàng đá”) thường hoang tưởng, tự cho mình là vĩ đại và dễ có hành vi bạo lực…

>> Bộ mặt đen tối của "ngáo đá"
 
Bên cạnh những hệ quả về mặt sức khỏe, những người lạm dụng mathemphetamine cũng thường có những hành vi bạo lực, phạm tội. Dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa sẽ lý giải sao về điều này?
 
Theo các chuyên gia tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến “Những điều cần biết về methamphetamine” diễn ra mới đây, có sự tương quan giữa việc sử dụng methamphetamine và các vụ phạm tội do chứng ảo giác gây ra và đặc biệt là các vụ phạm tội liên quan đến ma túy. Năm 2011, tổng số vụ bắt giữ có liên quan đến ma túy tại Việt Nam là 26,680, cao hơn 14% so với con số 23,492 vụ của năm 2010. 

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, cho biết, methamphetamine mạnh hơn rất nhiều heroin và các dạng ma túy khác, chất này sẽ làm tổn thương, phá hủy não người sử dụng. Vì nó tác động trực tiếp vào não làm biến đổi các hoạt động của hệ thần kinh trung ương, nên sau khi sử dụng nó người ta sẽ có hiện tượng hoang tưởng. Chính hoang tưởng này khiến người sử dụng bị rối loạn hành vi. Hoang tưởng thường gặp là hoang tưởng bị hại hoặc hoang tưởng ghen tuông. Vì vậy, những người lạm dụng chất này thường có hành vi bạo lực với bản thân và gia đình, ra ngoài xã hội người ta rất dễ bị kích thích, chỉ cần va chạm nhỏ là họ có thể hành động ngay lập tức và các hành động này thường không lường trước được.
 
Người sử dụng methamphetamine đã từng gây ra bạo lực rất lớn. Chúng ta đã có trường hợp ở Bình Thuận sau khi dùng Recotus (một dẫn xuất của methamphetamine) đã có hiện tượng hoang tưởng, cảm tưởng như mọi người đang đánh mình và anh ta quay ra đâm chém, giết cả người thân của mình và mọi người xung quanh.

Ảnh minh họa

Một người sau khi dùng "ngáo đá" rồi cầm dao ngồi cố thủ ở ô văng cửa sổ nhiều giờ đồng hồ "thi gan" với công an. (Ảnh: Nguồn Lao động)


Người dùng “ngáo đá” thường cho mình là vĩ đại
 
Methamphetamine là một loại ma túy cực kỳ nguy hiểm. Vậy làm thế nào để nhận biết được một người đã sử dụng nó và dùng trong bao lâu thì có thể gây nghiện?
 
Tại buổi Tòa đàm trên, Giáo sư lâm sàng về tâm thần học Peter Banys - Cố vấn Kỹ thuật về sử dụng ma túy, Tổ chức FHI 360, với kinh nghiệm điều trị cho những người nghiện trong 35 năm qua, khẳng định: rất khó để có thể khẳng định một người có sử dụng ma túy hay không nếu chỉ quan sát bên ngoài.
 
Với những người đã nghiện methamphetamine có một số biểu hiện mà chúng ta dễ nhận thấy như: ít ngủ, thường thức rất dài, hoang tưởng cho mình là rất vĩ đại, tài giỏi và thường nhìn vị trí công việc của mình cao hơn so với thực tế. Người sử dụng methamphetamine cũng thường giảm cảm giác ngon miệng, không thèm ăn nên phụ nữ thường thích dùng nó để giúp giảm cân. Để nghiện methamphetamine thường phải có một thời gian dài và tùy thuộc vào từng người.
 
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, cũng cho biết, để nhận ra người nghiện methamphetamine khó hơn nhận biết người nghiện heroin. Vì người nghiện methamphetamine thường không có biểu hiện, triệu chứng phụ thuộc về mặt cơ thể (vật vã) như người nghiện heroin. Thường những người sử dụng methamphetamine khi có rối loạn tâm thần thì gia đình mới đưa đến bệnh viện, còn khi chưa có rối loạn tâm thần người bệnh thường từ chối đến bệnh viện.
 
Việc sử dụng methamphetamine dẫn đến thay đổi hành vi rất rõ. Người nghiện methamphetamine thường chểnh mảng với công việc, luôn nói nhiều, hoạt động nhiều, thay đổi thái độ đối với mọi người, thường cảm thấy thân thiện hơn với mọi người nhưng cũng rất dễ bùng nổ và có thể gây ra bạo lực. Người nghiện methamphetamine thường ngủ ít, nói nhiều, hoạt động nhiều, đặc biệt tăng khả năng tình dục.
 
Người dùng methamphetamine thường có nhận thức sai lầm cho rằng mình không nghiện. Vì họ nghĩ như heroin thì ngày nào cũng phải sử dụng, nhưng với methamphetamine có thể 1 tuần không sử dụng vẫn không có biểu hiện vật vã, nên họ cho rằng không sao. Điều này khiến người mới sử dụng methamphetamine chủ quan, đến khi không sử dụng lại họ cảm thấy chán nản, không muốn làm việc và lúc đó tâm lý thôi thúc tìm đến thuốc, dẫn đến nguy cơ nghiện rất cao.          
 
Với người nghiện methamphetamine thì hiện nay chưa có thuốc điều trị thay thế hay đối kháng như đối với điều trị nghiện heroin. Trong việc điều trị nghiện các chất dạng amphetamin và methamphetamin thì liệu pháp quan trọng nhất là liệu pháp tâm lý. Phải thay đổi được nhận thức hành vi của họ, cung cấp cho họ thông tin đầy đủ.
 
Cũng theo Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, quan niệm dùng methamphetamine không gây nghiện là hết sức sai lầm. Vì dùng methamphetamine làm biến đổi não, gây tổn thương trực tiếp cho não còn ghê gớm hơn nhiều, bằng chứng là các hoang tưởng, ảo giác do các chất này gây ra. Khi bị các biến chứng hoang tưởng, ảo giác do dùng methamphetamine, tốt nhất là vào các bệnh viện tâm thần. Ở đó các bác sỹ mới có hiểu biết và dùng các thuốc chống loạn thần để điều trị, đồng thời họ có thể kết hợp các liệu pháp tâm lý để điều trị. Điều quan trọng nữa là cần có sự phối hợp giữa bác sỹ với gia đình.
 
Nhiều gia đình không nhận biết được, chủ quan cứ nghĩ con em mình nghiện phải vật vã như nghiện heroin, ngược lại người nghiện methamphetamine không có biểu hiện như vậy dù cả tuần không dùng. Người dùng methamphetamine chỉ có thay đổi rất rõ trong thái độ như: nói nhiều, cảm thấy vui vẻ với mọi người nhưng ngủ ít, đặc biệt với người có gia đình thường đòi hỏi sinh hoạt tình dục rất cao. Người đã sử dụng methamphetamine nếu sau vài ngày không sử dụng lại lâm vào trạng thái ngủ nhiều, ăn ít…


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc