(VnMedia) - Ngày 23/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị tại các tỉnh, thành phía Nam từ khi Bộ Y tế triển khai ngày 1/7/2013 đến nay, đồng thời đề ra kế hoạch tiếp tục triển khai và sớm đưa các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) và 6 tháng triển khai Nghị quyết 21 Bộ Chính trị, công tác bảo hiểm y tế đạt được những kết quả khả quan, như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước năm 2013 chiếm gần 70% dân số; việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế khá tốt, dần hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế như diện bao phủ bảo hiểm như hiện nay chưa cao, vẫn còn tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp.
Ba mục tiêu căn bản mà Nghị quyết 21 Bộ Chính trị hướng tới là tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế đến 2020 đạt trên 80% dân số; sử dụng an toàn, đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn và Quỹ bảo hiểm y tế; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo ghi nhận tại hội nghị, nhiều địa phương thừa nhận tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện rất thấp, đa số là những người bị bệnh mới mua. Nguyên nhân là do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã phường rất yếu, trang thiết bị thiếu nhiều, Sở Y tế tỉnh phải chi gối đầu, thu không đủ chi. Hiện ranh giới phân biệt giữa hộ nghèo và cận nghèo không rõ ràng. Trong khi người nghèo tự chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh thì người cận nghèo phải tự chi trả đến 20%...
Tại Hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị đối với các cấp lãnh đạo. Trong đó, nhiều nội dung được quan tâm như biện pháp tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế diện tự nguyện, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đa số là đối tượng thuộc diện bắt buộc, tỷ lệ đối tượng tự nguyện tham gia rất thấp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế; chuyển hình thức tham gia bảo hiểm y tế cá nhân sang hình thức gia đình…
Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để không bao cấp cho người không mua BHYT nhằm cho người dân thấy được sự chênh lệch rõ ràng về quyền lợi khi tham gia và không tham gia BHYT. Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay còn rất rườm rà.
Người dân không muốn tham gia BHYT. Ảnh: Minh họa. |
Nhiều người sẽ phải thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu
Ngày 23/12, thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN cho hay, sắp đến thời điểm ký hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT năm 2014, nhưng vẫn còn tới 30% cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và tư nhân chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện ký hợp đồng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu với Bảo hiểm xã hội VN. Trong đó, TP.HCM có 25% cơ sở tư nhân đang có hợp đồng khám chữa bệnh với bảo hiểm nhưng chưa được cấp phép hành nghề, Hà Nội có tới 50% cơ sở.
Theo đó, tính chung toàn quốc, có tới hàng triệu bệnh nhân có nguy cơ phải thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong thời gian tới. Theo Bảo hiểm xã hội VN, lý do dẫn đến sự chậm trễ nói trên một phần do ngành y tế chậm hoàn thành cấp phép cho cơ sở khám chữa bệnh theo Luật khám chữa bệnh. Năm 2013, ngành y tế và bảo hiểm xã hội đã gia hạn một lần do tỉ lệ cơ sở khám chữa bệnh chưa được cấp phép hành nghề quá cao.
Năm 2014, Bảo hiểm xã hội VN chỉ gia hạn đến hết quý 1. Sau đó, nếu ngành y tế và cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, Bảo hiểm xã hội VN sẽ chuyển bệnh nhân về các cơ sở đủ điều kiện.
Ý kiến bạn đọc