Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh tiểu đường

10:10, 23/12/2013
|

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính không lây, gây tăng đường huyết mãn tính do thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối của tuyến tụy.

Ai hay bị bệnh tiểu đường :

Bệnh tiểu đường gặp hầu hết ở các lứa tuổi: trẻ em, thanh niên, trung niên và người cao tuổi

- tiểu đường typ 1: Thường gặp ở người trẻ tuổi như: trẻ em, thanh niên dưới 30 tuổi

- tiểu đường typ 2: Thường gặp ở tuổi trung niên từ 35 tuổi trở lên và người cao tuổi .


Ảnh minh họa
Sữa Vinamilk dành cho bệnh nhân bị tiểu đường


Vì sao lại bị bệnh tiểu đường: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiểu đường như:

- Do bệnh lý tụy và gan: viêm tụy mãn tính calci hóa, viêm tụy cấp, ung thư tụy, cắt bỏ tụy bán phần hoặc toàn phần, viêm tụy calci hóa hoặc xơ hóa vùng nhiệt đới do dinh dưỡng, nhiễm sắc tố sắt

- Do nguyên nhân nội tiết: to viễn cực, u tủy thượng thận, cường giáp, cường aldosteron nguyên phát, u tiết glucagon

- Do bất thường về insulin

- Béo phì

- Hội chứng di truyền liên quan với đái đường: h/c Klinefelter, h/c Turner, hội chứng Wolfram,h/c Laurence – Moon – Bield

- Do rối lọan chuyển hóa đường

Rối loạn chuyển hóa đường thường kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid, protein và điện giải. Các rối loạn chuyển hóa kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng mãn tính.

Hậu quả của bệnh tiểu đường: dễ dẫn tới các biến chứng sau

- Nhiễm trùng: mụn nhọt, viêm cơ, viêm quanh răng

- Bệnh về mắt: thoái hóa võng mạc, nặng hơn nữa sẽ dẫn tới mù lòa

- Bệnh về thận: xơ hóa cầu thận, suy thận …

- Bệnh về tuần hòan, mạch máu: Suy vành, bệnh động mạch vành, bệnh động mạch chi dưới, tai biến mạch máunão, cao huyết áp, xơ vữa động mạch

- Bị các bệnh rối loạn chuyền hóa lipid máu: cholesterol máu cao…

- Có thể dẫn tới các rối lọan chuyển hóa cấp tính: nhiễm toan ceton do đái đường, hôn mê do tăng thẩm thấu, nhiễm toan acid lactic.

- Suy giảm tình dục…

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh tiểu đường

Thực hiện khẩu phần ăn theo nhu cầu sinh lý cho người bình thường: theo tuổi, sức khỏe, mức lao động…nhằm đảm bảo sức khỏe và góp phần ổn định lượng đường huyết trong ngày:

+ Cung cấp đủ năng lượng để giữ mức cân nặng nên có

Cân nặng nên có tính theo chỉ số thân khối (CSTK, BMI) = Cân nặng (kg): Chiều cao 2(mét)

(Chỉ số này không sử dụng cho vận động viên thể hình, phụ nữ mang thai và cho con bú)

Đối với tuổi trưởng thành ( > 18 T )

CSTK = 18,5 – 25 Trung bình ( Người châu á nên có CSTK = 18,5 – 23 )

CSTK < 18,5 :Suy dinh dưỡng

CSTK > 25Dư cân ( người Châu á > 23 là dư cân )

CSTK > 30Béo phì

+ Mỗi ngày cung cấp đủ các chất dinh dưỡng sinh năng lượng theo tỷ lệ cân đối:

- Chất đạm (Protid) chiếm 14-15 % tổng số năng lượng (TSNL), nên dùng 50%protid nguồn động vật (cá, thịt, trứng, sữa) & 50% protid nguồn thực vật (đậu hũ, giá đậu xanh, đậu đỗ…)

- Chất béo (Lipid) : chiếm 20 – 25 % TSNL; nên dùng dầu ăn thực vật: dầu đậu nành, dầu mè, dầu phộng…

Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như: thịt mỡ, trứng, óc, lòng, tim, gan, thận. Lượng cholesterol thực phẩm ăn vào nên dưới300mg/ngày.

- Chất bột (Carbohydrat , Glucid): chiếm 60 % TSNL

Nên sử dung các lọai thực phẩm cung cấp tinh bột từ: khoai tây, bún, phở,gạo, sắn… hết sức hạn chế đường tinh chế : đường kính, đường cát .

Có thể dùng đường hóa học Aspartam thay thế.

- Chất xơ, Vitamin, khóang chất: có nhiều trong rau trái. Nên lưu ý chọn các lọai trái cây chín ít chất bột đường: thanh long, táo , lê, đu đủ, dưa hấu…

+ Định lượng ăn trong ngày gồm:

Bữa ăn sángvà 4 lưng chén cơm ( 300-400g gạo) + 300 – 400g rau + 300 – 500g trái cây + 50 - 70g thịt nạc + 50 - 70g cá, tôm… + 100g đậu hũ + 400 – 600ml sữa + 20g dầu ăn thực vật + muối dưới 5g

+ Khẩu phần ăn chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày:

Tránh để xảy ra tình trạng tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn,hay bệnh nhân bị hạ đường huyết khi đói, và bệnh nhân bị hạ đường huyết sau khi có dùng thuốc:

- Ba bữa ăn chính gồm: bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều tối

- Ba bữa ăn phụ gồm: bữa giữa sáng, bữa xế chiều, bữa tối trước khi đi ngủ.

  Ngừa bệnh tiểu đường, bạn cần thực hiện mỗi ngày:

+ Dinh dưỡng hợp lý theo tuổi, sức khỏe, mức lao động…

+ Lối sống tích cực, lạc quan…

+ Năng họat động thể lực, thể dục đều đặn mỗi ngày, sinh họat điều độ…

 


Bác sĩ Lộc Thanh

Ý kiến bạn đọc