(VnMedia) - Hiện nay, tình trạng ly dị ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều đôi vợ chồng sống bất hòa với nhau, thậm chí gây bạo lực cho nhau trước mặt con cái và cuối cùng quyết định chia tay nhau.
BS.Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, việc cham mẹ ly dị luôn gây sốc và đau khổ cho đôi vợ chồng đã từng yêu thương và xây dựng cuộc sống chung với nhau. Khi chia tay, cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, nhiều sự thay đổi xảy ra như nhà ở, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nội ngoại bị xáo trộn. Trẻ phải thay đổi trường học, gây khó khăn cho sự thích nghi mới.
Khi cha mẹ ly hôn, trẻ có thể có những biểu hiện gắn liền với sự lo âu, sợ hãi, trầm cảm vì xa cách cha mẹ: đau đầu, đau bụng, khó ngủ, chán ăn, khó tập trung và giảm trí nhớ trong học tập. Thậm chí có trẻ thoái lùi: tiểu dầm mặc dù trước đó đã không còn tiểu dầm hoặc đòi bú bình trong khi đã có thể tự ăn như một trẻ lớn. Trẻ muốn trở lại thời gian hạnh phúc của tuổi ấu thơ được sống chung với cha mẹ. Một số trẻ cần được nằm viện để được cả cha mẹ chăm sóc. Trẻ cũng có thể trở thành khó tính, nhõng nhẻo, dễ khóc nhè, dễ nỗi cáu.
Ảnh minh họa.
Khi ly hôn, cha mẹ nên làm gì?
Theo BS.Phạm Ngọc Thanh, khi ly hôn, bản thân người làm cha, làm mẹ cần tìm sự nâng đỡ của gia đình, bạn bè, người thân quen để vượt qua cơn sốc. Nhưng nếu có rối loạn lo âu, trầm cảm nặng, cha mẹ nên tìm đến một chuyên viên tâm lý để được tư vấn và trị liệu.
Còn đối với trẻ, cha mẹ nên nói cho trẻ biết sự thật thay vì nói dối như “bố đi học ở nước ngoài,, hoặc làm việc ở thành phố xa”. Nói dối sẽ làm cho trẻ tưởng tượng những điều không tốt như bố bỏ đi vì con không ngoan. Vì thương con, cha mẹ nên để sự oán giận nhau qua một bên và đừng nói xấu nhau trước mặt con: "bố của con là một người hèn, mẹ của con là người chẳng ra gì”, mặc dù cha/mẹ bị phản bội hay uất hận. Cha mẹ nên nhớ trẻ con đang cần xây dựng nhân cách bằng cách đồng hóa với cha mẹ và cần chiêm ngắm gương sống tốt đẹp và yêu thương cha mẹ.
Đồng thời, nên cho phép trẻ được thăm viếng cha/mẹ một cách thoải mái chứ đừng gây áp lực cho trẻ như “nếu con tiếp tục thăm bố con, thì con qua bên đó ở luôn đi” hoặc “mẹ sẽ cô đơn kinh khủng trong khi con qua ở với bố”. Người lớn không nên bắt con cái trở thành nạn nhân của cuộc chiến hay sự ganh tị giữa 2 người đã ly dị, để làm cho đời sống của trẻ đau khổ.
Trẻ sẽ rất mâu thuẫn không biết mình nên theo “phe” ai. Nếu cả cha và mẹ cùng nói xấu lẫn nhau kéo con về phía mình sẽ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ cả hai đều xấu, cha hoặc mẹ xấu. Nguy hiểm hơn nếu trẻ nghĩ mình là nguyên nhân tan vỡ cuộc hôn nhân của cha mẹ thì sẽ có nguy cơ sống khép kín xa lánh cha mẹ là điều tất yếu. Vì thế, hậu ly hôn cha mẹ nên hạn chế tới mức tối đa xung đột trước mặt con cái. Cho qua những tình tiết nhỏ nhặt và tốt nhất đừng khơi lại chuyện cũ làm trẻ càng trở nên dằn vặt, buồn bã. Càng lớn nhận thức của trẻ càng tăng dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Vậy, cha mẹ cần phải có thái độ tích cực, trấn an trẻ, giải thích cho trẻ hiểu việc ly dị là chấm dứt cuộc sống chung giữa 2 vợ chồng. Tuy nhiên họ vẫn là cha mẹ của con cái nên vẫn tiếp tục yêu thương, chăm sóc con cái.
Ý kiến bạn đọc