(VnMedia) - Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Bệnh khiến trẻ khó chịu, bị đầy bụng, kém ăn, đau hậu môn khi đi cầu, đau bụng, nứt rách hậu môn... Nếu táo bón kéo dài còn gây chán ăn, chậm lớn, chướng bụng và có thể bán tắc ruột.
DS Nguyễn Như Hiền cho biết, táo bón là tình trạng đi cầu không thường xuyên, thường do chế độ ăn không đúng, thường xảy ra ở bệnh nhân có rối loạn về vấn đề ăn uống.
Nguyên nhân gây táo bón
Táo bón chức năng là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm đa số các trường hợp, khoảng 59%. Nguyên nhân là do trẻ ăn chế độ ăn nhiều bột và đường, thiếu chất xơ, uống ít nước, ít vận động hoặc do tâm lý như sợ bẩn (nhà vệ sinh bẩn), quen dùng thuốc nhuận tràng, học hành quá căng thẳng, sang chấn tâm lý, sau phẫu thuật.
Ngoài ra còn có các nguyên khác gây táo bón như giảm nhu động đại tràng, hội chứng tắc nghẽn đường ra, do bệnh như tiểu đường, nhược giáp, xơ cứng bì, do thuốc chống trầm cảm …
Dấu hiệu trẻ bị táo bón
PGS. TS Nguyễn Gia Khánh, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hàng ngày, các bà mẹ nên quan tâm theo dõi khi trẻ đi cầu. Ở trẻ nhỏ bú mẹ nếu trẻ đi cầu dưới 2 lần trong một ngày hoặc trẻ nuôi bằng sữa công thức và ăn dặm đi cầu dưới 3 lần trong một tuần, phân rắn, khi đi cầu trẻ phải rặn, là nên nghĩ ngay đến việc trẻ bị táo bón.
Trẻ có thể bị táo bón trong vài ngày hoặc vài tuần và thường được gọi là táo bón cấp tính nhưng trẻ cũng có thể bị táo bón kéo dài, lâu hơn đến vài tháng. Trường hợp táo bón bắt đầu sớm ngay từ sau khi sinh hoặc muộn hơn và kéo dài trên vài tuần hoặc vài tháng gọi là táo bón mãn tính.
Táo bón khiến cho trẻ khó chịu, đầy hơi, chướng bụng... |
Cách điều trị táo bón
Theo PGS. TS Nguyễn Gia Khánh, nguyên tắc điều trị táo bón là phải tìm nguyên nhân, thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc. Nếu nguyên nhân do ngoại khoa như teo đại tràng, hẹp đại tràng,… điều trị phẫu thuật khi có chỉ định. Nếu do nguyên nhân nội khoa, điều trị kết hợp cùng với gia đình, thay đổi chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng như: nếu trẻ còn bú mẹ, mẹ nên ăn nhiều chất xơ; tăng lượng nước uống vào; không cho trẻ uống trà, cà phê; tránh các thức ăn giàu bột, đường như chocolat và mứt; tránh dùng các thuốc kháng viêm giảm đau nonsteroid, thuốc an thần; tăng dùng trái cây thực phẩm có chất xơ.
Ngoài ra nên tập thói quen đi cầu cho trẻ, giảm thiểu hoặc loại bỏ những áp lức ở trường học và nâng đỡ tâm lý cho trẻ. Đồng thời, việc dùng thuốc chống táo bón phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Hiện có các loại thuốc chống táo bón như: thuốc tạo khối phân, thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thụt tháo và tọa dược.
Biện pháp phòng ngừa táo bón
Nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất ở trẻ em là do chế độ ăn chưa đúng và tâm lý. Vì vậy để phòng ngừa táo bón, cần phải cho trẻ uống nước nhiều, ăn rau quả, thực phẩm nhiều chất xơ, tập thói quen đi tiêu đúng giờ, không nhịn đi tiêu và tập thể dục thể thao.
Táo bón không gây hại cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ bị táo bón lâu, hiện tượng cứ tiếp tục từ 2 – 3 tuần thì nên đưa trẻ đi khám. Không tự ý cho con bạn sử dụng thuốc nhuận tràng, nếu cần dùng thuốc thì phải có sự hướng dẫn của bác sĩ
Ý kiến bạn đọc