(VnMedia) - Liên tiếp mấy ngày qua, Khoa Cấp cứu và Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống kịp thời hai cháu bé bị dị vật vào đường thở. Điều đáng nói là cả hai trường hợp đều có nguyên nhân từ sự bất cẩn của người trông giữ trẻ.
Trường hợp 1, cháu Đào Phương A, 2 tuổi, ở Bắc Ninh, được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng li bì, suy hô hấp do có dị vật trong đường thở.
Mẹ cháu A. cho biết, khoảng 21h ngày 8/11, trẻ được mẹ tra thuốc nhỏ mắt, trên tay trẻ cầm găng ngón tay cao su và nắp lọ thuốc nhỏ mắt để chơi. Đang quấy khóc, đột nhiên trẻ xuất hiện nấc, tím tái tăng dần. Gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện tại địa phương, tại đây, các bác sĩ đã tiến hành ép tim, tiêm Adrenalin, đặt nội khí quản và chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi chụp X-Quang và làm các xét nghiệm cần thiết, trẻ được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương nội soi phế quản, gắp ra được dị vật là mảnh găng tay cao su kích thước 5 x 1.5 cm, trong lòng khí phế quản còn dịch nhầy đặc, niêm mạc phế quản xung huyết.
Mảnh găng tay cao su sau khi được các bác sĩ gắp ra
Trường hợp 2, cháu Lê Minh N, nam, 13 tháng tuổi, được bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc chuyển lên trong tình trạng quấy khóc, thở ậm ạch, sưng vùng đỉnh đầu do ngã ngửa đập đầu xuống đất khi chơi tại nhà. Trẻ được chẩn đoán chấn thương sọ não, viêm phế quản phổi và nghi ngờ có dị vật ở trong đường thở.
Sau khi hỏi kỹ tiền sử của cháu, gia đình cho biết trước khi ngã cháu có ngậm hạt ngô trong miệng. Qua đó các bác sĩ nghĩ rất có thể do ngã, cháu khóc đột ngột, dẫn đến hạt ngô bị chui vào phế quản.
Kíp nội soi khoa Hô hấp nhanh chóng được huy động, các bác sĩ đã gắp ra được hạt ngô nằm trong phế quản cháu N.
Hạt ngô đã chui tọt vào phế quản cháu N lúc nào mà gia đình không hề hay biết
Hiện tại, tình trạng của 2 cháu đều đã ổn định và được xuất viện.
Theo các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp trẻ hóc dị vật như trên không phải hiếm gặp. Cái gì bé cũng có thể cho vào miệng, nhất là khi đang ở độ tuổi hiếu động. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí để tránh ngạt thở. Nếu bé nói được, khóc, đưa ngay đến bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng ấn ngực để bé không bị ngạt thở. Trẻ lớn thì làm thủ thuật Heimlich (từ phía sau ôm ngang ngực ấn mạnh để tống dị vật ra ngoài), sau đó đưa đến bệnh viện gần nhất.
Ý kiến bạn đọc