(VnMedia) - Sau khi xảy ra một số vi phạm nghiêm trọng tại các phòng khám, phẫu thuật thẩm mỹ, sáng nay 4/11 Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cùng với hệ thống y tế nhà nước, y dược tư nhân đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hệ thống y tế tư nhân được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển nhằm huy động sự đóng góp nguồn lực của xã hội cho công tác khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, qua đó góp phần giảm tải bệnh viện công lập.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến.
Tai biến luôn rình rập
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, tai biến trong ngành y có thể rình rập hàng giờ, hàng phút với bệnh nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 157 bệnh viện tư nhân (trong đó có 151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước và 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế (trong đó trong đó 30 Phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh, số còn lại là phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế, 30 phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài, 29 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh. Tổng số người hành nghề trong toàn quốc 249.852 người, trong đó bác sĩ 64.422; Y sĩ 54.478; Điều dưỡng 88.019; Kỹ thuật viên 15.185; Hộ sinh 27.529; Lương y 219.
Năm 2012, các bệnh viện tư nhân đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có trên 2 triệu lượt khám cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện phẫu thuật cho khoảng 200.000 người bệnh. Các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị miễn, giảm viện phí cho 22.000 lượt người nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng thừa nhận, quy tắc ứng xử cho bác sỹ điều dưỡng cũng đã được Bộ Y tế tập huấn, tuy nhiên, vẫn chưa nghiêm. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng đường dây nóng tại các khoa khám bệnh đến trưởng khoa và cán bộ trực 24/24. Nếu người dân liên lạc không được, sẽ nối máy đến giám đốc bệnh viện. Do đó, Trưởng khoa chịu trách nhiệm với Giám đốc, giám đốc chịu trách nhiệm Sở Y tế nếu thuộc Sở. hoặc trước bộ Trưởng Bộ Y tế nếu thuộc Bộ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị
Rà soát, sửa đổi kịp thời để chấn chỉnh hoạt động y, dược tư nhân
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tới đây, Bộ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng phân cấp mạnh cho các Sở Y tế phối hợp các sở, ban ngành địa phương quản lý hoạt động này. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm.
Riêng trong tháng 11 này, 5 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do các đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra việc quản lý các hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hành nghề dược tư nhân, thẩm mỹ viện tại các tỉnh, TP.
Đánh giá về hoạt động y dược ngoài công lập, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bên cạnh các mặt đã đạt được, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân vẫn còn các hạn chế như một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về y tế, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép...gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng và sức khỏe của người bệnh, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với ngành y tế, đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các quy định có liên quan, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thểm quyền sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn về quy tắc ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế trên toàn quốc. Sớm ban hành thông tư về y đức và quy tắc ứng xử trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, trực tiếp chỉ đạo Sở Y tế, các sở, ban, ngành của địa phương, ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và dược tư nhân trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin khi nghe các quảng cáo quá mức về khả năng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Tại thành phố Hà nội, trong 9 tháng đầu năm 2013 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 977 lượt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn thành phố (Thanh tra Sở: 143 lượt; Phòng Y tế: 834 lượt). Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.872.750.000 đồng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2013 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.232 cơ sở hành nghề y và y học cổ truyền, phát hiện 257 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 61 cơ sở, phạt tiền 168 cơ sở, đình chỉ hoạt động 71 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2.799.350.000 đ. (Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế) |
Ý kiến bạn đọc