(VnMedia) - Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Hiện đái tháo đường là một trong những thách thức chủ yếu đối với ngành y tế và sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21.
Theo TS. Nguyễn Vinh Quang, Trưởng ban điều hành Dự án đái tháo đường Quốc gia, so sánh giữa số liệu thống kê của năm 2002 và năm 2012 thì tỉ lệ mắc đái tháo đường ở ta tăng tới 211%. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị nhưng người bệnh đái tháo đường vẫn có nhiều biến chứng nguy hiểm làm tăng tỉ lệ tử vong và tàn phế.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý là trên 60% số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện, khi được phát hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân đái tháo đường...
Bệnh không chỉ xuất hiện ở thành phố lớn mà ở hầu khắp mọi miền của cả nước, từ miền núi đến trung du, đồng bằng. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế trong cả nước đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế do chi phí rất lớn để điều trị căn bệnh này.
Theo kết quả điều tra năm 2012, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7% dân số. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.
Căn bệnh mãn tính này được coi là kẻ giết người thầm lặng. Đặc biệt, bệnh nhân trẻ ngày càng nhiều. Ở Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân 9 tuổi mắc đái tháo đường.
Ý kiến bạn đọc