(VnMedia) - Chiều 18/11, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến nay cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem.
Từ nay đến hết tháng 11, các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem trở lại. Theo ông Phu, các trường hợp phản ứng sau tiêm vừa qua là sốt nhẹ, đau, sưng hoặc đỏ chỗ tiêm và toàn thân khó chịu…
Đây là những phản ứng nhẹ, thông thường trên cơ địa trẻ và hầu hết các phản ứng này tự khỏi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mục đích việc tiêm vắcxin là để tạo ra miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch.
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại Hà Nội, sau đợt tiêm chủng bắt đầu từ ngày 4/11, đã ghi nhận có 113 ca phản ứng sau tiêm chủng. Như vậy, số ca phản ứng sau tiêm chủng với tỷ lệ là (2,4/1.000 mũi tiêm), trong đó tổng số ca phải nhập viện điều trị và theo dõi là 37 ca.
Phân tích về vấn đề phản ứng sau khi tiêm chủng, giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các phản ứng thường gặp ở nhóm bé có tai biến sau tiêm là sốt, quấy khóc, nổi ban toàn thân, giảm trương lực cơ, sưng đau tại chỗ tiêm, thậm chí một số bé có tím tái. Hiện nay, sức khỏe tất cả các bé đều đã ổn định và đã được xuất viện.
Theo ông Hiển, nhằm đánh giá các phản ứng gặp ở trẻ sau tiêm vắcxin, Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội giám sát chặt chẽ 100% số trẻ được tiêm chủng để đưa ra đánh giá khách quan về các phản ứng thường gặp. Theo đó, hầu hết các triệu chứng của các ca phản ứng sau tiêm chủng là nhẹ và trong giới hạn bình thường.
Tối 18/11, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố đã có 28 quận, huyện hoàn thành tiêm vắc xin Quinvaxem với khoảng 46.800 trẻ được tiêm trong đợt này. Dự kiến, ngày 22/11, đơn vị cuối cùng là quận Thanh Xuân sẽ triển khai tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem.
Ý kiến bạn đọc