(VnMedia) - Bộ Y tế vừa đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương phối hợp chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo, đài quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm chức năng.
Ảnh minh họa. |
Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về TPCN, một số doanh nghiệp, đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo mạng vì nhiều lý do (lợi nhuận) quảng cáo TPCN như thần dược gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Với nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng, rất nhiều hãng dược phẩm đua nhau sản xuất, kinh doanh các loại TPCN.
Theo số liệu của Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, hiện nay nước ta đã có 1.781 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN với hơn 10.000 sản phẩm đưa ra thị trường. Điều đáng lo ngại là hầu hết sản phẩm TPCN lại được các công ty bán hàng đa cấp quảng cáo như là “thần dược” để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, với lợi nhuận cao nên như những mặt hàng khác, thị trường thực phẩm chức năng cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sản xuất, kinh doanh TPCN trái phép, giả, nhái… hòng thu lợi bất chính.
Để tăng cường việc quản lý TPCN, giúp cho TPCN phát triển, thực hiện tốt vai trò dự phòng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành tại địa phương phối hợp triển khai thực hiện một số việc sau đây: Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo, đài quản lý chặt chẽ việc quảng cáo TPCN. Chỉ tiến hành quảng cáo TPCN khi nội dung quảng cáo đã được cơ quan y tế thẩm định. Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý TPCN, đặc biệt là quảng cáo không đúng quy định; Chỉ đạo các cơ sở y tế cung cấp thông tin, tư vấn về TPCN theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực: chống buôn lậu, hàng giả, kinh doanh bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc