(VnMedia) - Tối 18/10, Bộ Y tế phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề "Nữ thầy thuốc vượt khó, tận tâm với nghề" nhân kỷ niệm 83 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 -20/10/2013).
Tại buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng đòi hỏi ở người thầy thuốc sự hy sinh, tận tụy và hết lòng vì người bệnh. Sự hy sinh thầm lặng của ngườ thầy thuốc diễn ra từng giờ, từng phút ở khắp mọi miền từ biên giới đến hải đảo, từ thành phố đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mỗi viên thuốc, ánh mắt, bàn tay của người thầy thuốc đều chứa đựng đầy những tấm lòng nhân hậu, khi sáng chói, khi thầm lặng nhưng sự hy sinh của người thầy thuốc luôn luôn cao quý và đáng trân trọng”.
Nghề y, hai tiếng thiêng liêng nhưng cũng đầy gian khó. Trên những đôi tay và khối óc ấy đã có những lúc chiến đấu căng thẳng để dành lại sự sống, dành lại sự sống, dành lại sức khỏe, những nụ cười cho cộng đồng. Chiến công thầm lặng hàng ngày vẫn lặng lẽ diễn ra.
Bốn nữ thầy thuốc khách mời của chương trình, gồm: Bác sĩ Lê Thị Tố Uyên, Trưởng khoa điều trị tự nguyện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I; TS.BS Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai; Bác sĩ Nguyễn Thị Dịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu (Nghệ An); Bác sĩ Rơ Chăm Ly Va, phó Trạm Y tế khu vực xã Ia Tul (huyện Ia Pa, Gia Lai) đều là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho những nữ cán bộ y tế vượt qua gian khó, tận tâm với công việc, vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận. Những kinh nghiệm và sự hy sinh qua chuyện đời, chuyện nghề của các vị khách mời không chỉ giúp định hướng nghề nghiệp cho những sinh viên y khoa, những thầy thuốc tương lai mà còn khuyến khích, động viên đội ngũ nữ thầy thuốc đang ngày đêm gắn bó với nghề, chung tay vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Bác sĩ hai tiếng thiêng liêng nhưng đầy tiếng nặng xã hội, thiêng liên vì khả năng cứu người, sức nặng vì trách nhiệm với sinh mạng. Bác sĩ là những người hy sinh thầm lặng, cả những điều thiêng liêng của riêng mình, nữ bác sĩ là những người càng phải hy sinh nhiều hơn. Họ hy sinh cả thời gian quý giá mà lẽ ra họ phải dành cho gia đình của chính mình.Bạn có biết khi đang chăm lo sức khỏe của người thân của bạn là họ phải đặt sang một bên những lo lắng về đứa con đang ốm của mình ở nhà, bạn có biết những ca trực 24 tiếng tại bệnh viện đồng nghĩa với những bữa cơm lạnh lẽo của người bạn đời cùng với những đứa con của người nữ bác sĩ. Có lẽ chỉ có niềm vui và đam mê sự nghiệp cứu người là lực đẩy khuyển khích họ, các nữ bác sĩ tiếp tục trên hành trình huy hoàng mà chông gai và cần được sẻ chia này. Hàng ngày, những nữ bác sĩ áo trắng họ đang mỗi ngày vượt quá áp lực quá tải, thiếu thốn cơ sở vật chất, không ngừng sáng tạo đạt những kỳ tích vượt giới hạn khách quan, làm kinh ngạc cả những bác sĩ đến từ các quốc gia có nền y học tiên tiến nhất thế giới.
Ảnh minh họa. |
Để giảm tình trạng quá tải nên đầu tư công tác dự phòng: Bác sĩ Nguyễn Thị Dịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu (Nghệ An) là một nữ bác sĩ kiên cường trong công tác y tế với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc. Báo sĩ Dịnh cho biết, y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh là chính, phòng bện hhơn chữa bệnh. Nhưng hiện nay chúng ta mới chú trọng công tác điều trị, còn công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm. Theo bác sĩ Dịnh, để giải quyết và trả lời câu hỏi quá tải của bệnh viện thì chúng ta nên đầu tư công tác dự phòng.
“Ở Trạm này thêm 5, 10 năm nữa cũng không sao...”: Bác sĩ Rơ Chăm Ly Va, phó Trạm Y tế khu vực xã Ia Tul (huyện Ia Pa, Gia Lai) đã chiếm được tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nhờ lòng yêu nghề và sự tận tâm với công việc. Đi làm xa (cách nhà hơn 100km), chồng chị cũng là bác sĩ quân y ở Bệnh viện 211 (TP. Gia Lai) và cũng thường xuyên phải đi trực, nên “hai vợ chồng chỉ mong có một ngày trọn vẹn để đưa con gái đi chơi nhưng chưa lần nào thực hiện được”. Hy sinh tình cảm gia đình cho công việc là vậy, nhưng bác sĩ Ly Va vẫn kiên định: “Mình là người Nhà nước nên đã xác định ở Trạm này thêm 5, 10 năm nữa cũng không sao...”.
Trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân là phần thưởng lớn nhất: Bác sĩ Lê Thị Tố Uyên, Trưởng khoa điều trị tự nguyện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chia sẻ: “Nói đến bệnh nhân tâm thần thì ai cũng sợ vì người bệnh không kiểm soát được hành vi của mình. Khi lên cơn, bệnh nhân có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh và cho chính bản thân họ".
Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, chúng tôi chăm sóc những người không kiểm soát được hành vi, ý nghĩ của họ thì càng khó. Thế nhưng, ngoài việc điều trị, nhân viên y tế còn phải chăm sóc bệnh nhân như người thân. Có tới 80% bệnh nhân là do gia đình gửi lại để bệnh viện điều trị, chăm sóc, cho ăn uống, tắm giặt, vệ sinh đầu tóc, cắt móng chân, móng tay. Nhân viên y tế cũng thường phải thức trắng đêm trông nom, không để bệnh nhân trốn viện.
Bác sĩ Uyên cho biết, những hành vi kích động, tư duy lệch lạc, rối loạn cảm xúc của bệnh nhân là do bệnh lý, rối loạn về hoạt động chức năng tâm thần gây nên. Bản thân người bệnh không ý thức được. Họ cũng luôn khao khát được sống, được đối xử như bao người bình thường khác. “Trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh, vừa là bổn phận, vừa là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi”, chị Uyên nói.
Chứng kiến những người khỏe mạnh đó là động lực làm việc: TS.BS Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, được chứng kiến những bệnh nhân, từ những lúc còn nằm liệt giường, liệt chiếu dần dần khỏe mạnh, trở lại cuộc sống bình thường. Có những bệnh nhân hôm trước còn hôn mê, hôm sau tỉnh dần thì đó là những điều rất là kỳ diệu. Chứng kiến những người khỏe mạnh là động lực cho tôi làm việc với những người HIV và tôi cũng cảm thấy rất may mắn là một trong những người điều trị cho những bệnh nhân này.
Ý kiến bạn đọc