(VnMedia) - Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ khó khăn, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “"Xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2014-2019" diễn ra tại Hà Nội ngày 16/10.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Ở Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù và người thị lực kém, trong đó 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được.
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, trên 60%, sau đó là các bệnh lý đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ, sẹo giác mạc... Ngoài ra, nhiều vấn đề mới đang nổi lên như tật khúc xạ (tỷ lệ mắc 15-40%, tương ứng với khoảng 3 triệu trẻ bị tật khúc xạ cần đeo kính) và các bệnh phần sau như bệnh võng mạc đái tháo đường, võng mạc ở trẻ đẻ non... là những thách thức cần quan tâm và can thiệp.
Đồng thời, đa số người bệnh lại nghèo, không có điều kiện đi mổ, đặc biệt là người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nên tỷ lệ mù loà do đục thuỷ tinh thể có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, các bác sĩ nhãn khoa hiện chủ yếu tập trung ở đồng bằng, rất thiếu ở vùng miền núi và Tây Nguyên. VN cũng còn thiếu cán bộ trung cấp chăm sóc mắt. Tại tuyến huyện, hiện chỉ có 30% huyện có y tá, bác sĩ chuyên khoa mắt.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống mù lòa, với mục tiêu giảm tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh ở người trên 50 tuổi xuống 25% vào năm 2018.
Theo dự thảo, mục tiêu của Kế hoạch quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2014-2019 hướng đến là đẩy mạnh hoạt động giải phóng mù lòa tập trung vào nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được. Theo đó, Việt Nam cần đạt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ mổ thủy tinh thể với tỷ lệ 2.500-3.000 ca/1 triệu dân; nâng cao chất lượng mổ đục thủy tinh thế với tỷ lệ người có thị lực trên 3/10 ở mức trên 80%; hạn chế biến chứng phẫu thuật; lập kế hoạch thanh toán bệnh mắt hột; đánh giá tình hình một số bệnh mới và có xu hướng gia tăng như: Tật khúc xạ trong học sinh, sinh viên; bệnh lý võng mạc đái tháo đường; bệnh glocom; thoái hóa hoàng điểm tuổi già; mù lòa trẻ em…
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này giai đoạn 2014-2018 ước tính là trên 171 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc