Thêm tố cáo về quyết định phê duyệt trúng thầu thuốc

15:27, 07/09/2013
|

(VnMedia)- Cùng một hoạt chất mời thầu nhưng lại có hai biệt Dược trúng thầu; có quyết định trúng thầu nhưng không ký hợp đồng với nhà thầu; vay trước biệt dược rồi quyết định trúng thầu bằng chính thuốc vay... là những tố cáo về đấu thầu thuốc tại bệnh viện Thanh Nhàn.

>>
Bất ngờ về sử dụng thuốc tại bệnh viện Thanh Nhàn 

 Ảnh minh họa

 Hợp đồng thuê máy chẩn đoán hình ảnh trong 10 năm, nhưng mới vận hành được hai năm, phía bệnh viện đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.


Phê duyệt kết quả trúng thầu thuốc không theo quy định về trình tự thủ tục hành chính

Bên cạnh việc phản ánh về tình trạng thuốc lúc thiếu lúc thừa, lúc không đủ để dùng lúc dùng quá liều dẫn đến việc kê đơn thuốc không hợp lý, an toàn, bà Bế Thị Ái Việt, Trưởng khoa Dược bệnh viện Thanh Nhàn cũng đơn gửi Sở Y tế Hà Nội tố cáo Ban Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn đã ký quyết định trúng thầu và ký hợp đồng sai nguyên tắc với đơn vị trúng thầu.

Cụ thể, Ban giám đốc  đã ký quyết định 1 hoạt chất mời thầu có 2 biệt Dược trúng thầu, có quyết địnhtrúng thầu nhưng không ký hợp đồng với nhà thầu là sai nguyên tắc. Trong thư phản ánh, bà Việt đặt dấu hỏi: Tại sao ký Quyết định cho 02 biệt Dược trúng thầu? Dựa trên nguyên tắc nào? Tại sao ký Quyết định trúng thầu, ký hợp đồng với nhà thầu có giá cao hơn với số lượng nhiều hơn. Tại sao 02 mặt hàng Trikaxon và Cefuroxim bệnh viện đã “vay” trước của hai nhà thầu với lý do “trong thời gian chờ làm thủ tục phê duyệt kết quả trúng thầu”, sau đó chỉ quyết định trúng thầu bằng đúng số lượng vay, số lượng còn lại nhiều hơn, giá cao hơn chuyển cho nhà thầu khác trúng thầu? Kết quả chấm thầu của Tổ chuyên gia đấu thầu bệnh viện Thanh Nhàn có đúng là có 02 mặt hàng Ukxone và ILJIN Cefuroxim trúng thầu không? Kết quả này có bị điều chỉnh, thay đổi không?  Tại sao hoạt chất ceftriaxon mời thầu số lượng 19.000 lọ lại ký hợp đồng mua 24.000 lọ với hai nhà thầu?. Tại sao nhà thầu Minh Dân trúng thầu hoạt chất cefuroxim 0,75g với giá 25.000 đồng/lọ nhưng BV lại không ký hợp đồng với nhà thầu này mà lại ký hợp đồng với nhà thầu Diệu Thuý với giá 39.500 đồng/lọ? làm tăng thêm số tiền trong năm 2012 là 650.000.000 đồng.

"Việc quyết định mua thuốc sai nguyên tắc, làm thiệt hại cho Bệnh viện số tiền 650.000.000 đồng, trách nhiệm thuộc về ai?", bà Việt nhấn mạnh.

Về vấn đề này, trong thông báo kết quả xác minh nội dung báo cáo phản ánh tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho rằng phản ánh nêu trên không đúng. Tuy nhiên, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lại nhấn mạnh: "Tuy nhiên, bệnh viện có sai sót khi ban hành Quyết định số 312/QĐ-BVTN ngày 30/3/2012 về phê duyệt kết quả đấu thầu mua thuốc 6 tháng đầu năm 2012, gói thầu số 01 và khi hiệu chỉnh lại đã không theo đúng quy định về trình tự thủ tục hành chính. Trách nhiệm thuộc về phòng Kế hoạch tổng hợp và Giám đốc bệnh viện".

Máy chiếu chụp có sẵn thì để đấy, bệnh nhân phải làm xét nghiệm bên ngoài

Bên cạnh những phản ánh về tình trạng sử dụng thuốc, tại bệnh viện Thanh Nhàn đang có hiện tượng người bệnh phải ra ngoài chuẩn đoán hình ảnh trong khi bệnh viện có máy móc. Năm 2008, khi ông Đặng Văn Chính là giám đốc, bệnh viện Thanh Nhàn đã ký một số các hợp đồng liên kết với các đối tác xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Điển hình là các hợp đồng ký với công ty ĐY 33 xây dựng trung tâm chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao và các hợp đồng ký với công ty cổ phần kiến trúc mỹ thuật Hà Nội để thành lập Trung tâm dinh dưỡng tại bệnh viện.

Năm 2011, Ban Giám đốc mới (thời điểm này ông Đào Quang Minh làm giám đốc) đã ra hàng loạt các thông báo chấm dứt hoạt động của Trung tâm chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao và phá bỏ Trung tâm dinh dưỡng. Do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn, hồi đầu tháng 8 vừa qua, nhân viên công ty ĐY33 đã căng băng rôn đứng trước điểm khám bệnh của BV Thanh Nhàn để đòi quyền lợi.

Trong lúc tranh chấp giữa hai bên chưa được giải quyết, từ ngày 1/8/2013 BV Thanh Nhàn đã ngưng chuyển bệnh nhân cần chẩn đoán hình ảnh xuống trung tâm chuẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao của công ty ĐY 33 đầu tư.

Khi bệnh nhân đi chụp, chiếu các máy móc như cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), x-quang kỹ thuật số… đều phải ra ngoài chụp. Bệnh nhân đến cấp cứu cần chẩn đoán hình ảnh không được chiếu chụp tại BV mà đưa lên xe cấp cứu chở đến Trung tâm cấp cứu 115 của Hà Nội để chiếu chụp sau đó lại quay về.

Số tiền bệnh nhân phải chi trả khi chiếu chụp ở trung tâm 115 cao hơn nhiều lần khi chụp tại Trung tâm chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện do công ty ĐY33 đầu tư. Không những thế bệnh nhân còn phải trả thêm 120 ngàn đồng tiền xe cộng với rủi ro cao khi không được chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh kịp thời.

Trước bức xúc của bệnh nhân, mới đây Sở Y tế đã có công văn yêu cầu bệnh viện Ung bướu tiếp nhận bệnh nhân của BV Thanh Nhàn khi có yêu cầu chiếu chụp hình ảnh thay vì phải đưa lên Trung tâm cấp cứu 115.

Bằng chỉ đạo này, vô hình chung Trung tâm chẩn đoán hình ảnh của BV Thanh Nhàn hết sức ngỡ ngàng bởi máy móc đơn vị này đầu tư hàng chục tỷ đồng đang nằm “đắp chiếu” ngay trong bệnh viện.

Có hóa đơn giá trị gia tăng giá rẻ hơn không hóa đơn!

Để làm rõ hiện tượng có hai hệ thống hóa đơn tồn tại song song tại BV Thanh Nhàn, phóng viên đã trực tiếp vào vai người đi khám bệnh. Sau khi nộp phí khám bệnh hết 50 ngàn đồng. Phóng viên xin được thử máu. Bác sỹ hỏi: làm dịch vụ hay làm thường. Trả lời: làm dịch vụ. Vị bác sỹ này yêu cầu phóng viên nộp 280 ngàn đồng và đưa cho phóng viên một hóa đơn thường (không phải hóa đơn GTGT). Phóng viên hỏi xin hóa đơn GTGT để về thanh toán cơ quan thì vị bác sỹ này trả lời: “Làm dịch vụ chỉ có hóa đơn này thôi.” 20 phút sau, phóng viên quay lại phòng khám và xin thử máu lần 2. Lần này, phóng viên nói luôn là làm thường và xin hóa đơn GTGT về thanh toán với cơ quan. Quả nhiên, phóng viên được nhận hóa đơn GTGT nhưng số tiền phải nộp chỉ là 166 ngàn đồng.

Theo quan sát của phóng viên tại phòng khám bệnh thì rất ít người có nhu cầu lấy hóa đơn GTGT và các bác sỹ cũng không chủ động hỏi người bệnh lấy hóa đơn hay không. Do vậy, hầu hết bệnh nhân đều chỉ được lấy hóa đơn của bệnh viện với số tiền chênh hơn hẳn số tiền đóng theo hóa đơn GTGT. Không chỉ vênh về số tiền đóng nộp tiền theo hóa đơn GTGT và theo hóa đơn bệnh viện bệnh nhân còn chênh nhau cả về thời gian nhận kết quả. Cụ thể, bệnh nhân nộp tiền theo hóa đơn bệnh viện sẽ nhận kết quả nhanh hơn bệnh nhân khác nhiều lần.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc