Hà Nội: Báo động bệnh sốt xuyết huyết gia tăng

06:36, 07/09/2013
|

(VnMedia)  - Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tình hình dịch sốt xuất (SXH) huyết trên địa bàn so với cùng kỳ năm trước có số ca mắc tăng 51%, số ổ dịch tăng 1,7 lần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Cụ thể, trên toàn thành phố tính đến 5/9, đã ghi nhận 657 ca bệnh, 94 ổ dịch, chưa có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 25/29 quận, huyện và 169/577 xã, phường. 

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội cho biết, số mắc bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 7, tuy nhiên tăng nhiều từ giữa tháng 8 đến nay. Đặc biệt, gần đây xuất hiện những ổ dịch phức tạp vì số bệnh nhân nhiều, chỉ số véc-tơ cao và có nhiều dụng cụ chứa nước khó xử lý như ổ dịch tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín; ổ dịch tại phường Kiến Hưng, phường Phú La, quận Hà Đông; ổ dịch tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Tác nhân gây bệnh SXH tại Hà Nội được xác định là cả 4 típ virus Dengue (D1, D2, D3 và D4).

Ông Cảm lo ngại, tháng 9 là thời gian học sinh, sinh viên tựu trường, số lượng sinh viên, học sinh ngoại tỉnh đến nhập học tại Hà Nội cao làm tăng đối tượng mới có thể nhiễm bệnh. Ngoài ra, thời điểm này, thời tiết thất thường, mưa nhiều, kéo dài xen kẽ với nắng oi bức tạo thuận lợi cho muỗi và bọ gậy sinh sản và phát triển nên tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch SXH trên địa bàn.

Mặc dù SXH có nguy cơ bùng phát, nhưng một số địa phương vẫn chủ quan với dịch, không quyết liệt trong việc huy động các đoàn thể, cộng đồng dân cư phối hợp với ngành y tế tham gia phòng chống dịch. Ngay như mới đây, lãnh đạo Sở Y tế và TTYT dự phòng Hà Nội trực tiếp giám sát hoạt động phòng chống dịch SXH tại quận Hà Đông, nhiều hộ dân chưa hợp tác với ngành y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi.

Được biết, khoảng 30 - 40% hộ gia đình trong ổ dịch hoặc tại khu vực triển khai chiến dịch phun hoá chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết đã không được phun hoá chất vì vắng nhà hoặc không đồng ý phun.

Đối với bệnh nhân SXH, ông Cảm khuyến cáo, khi thấy sốt cao đột ngột, kèm các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau người cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Cách phòng chống bệnh:

- Mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để nơi ở thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).
- Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
- Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước và hàng tuần nên cọ rửa sạch sẽ; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nướcđọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thứ căn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừmuỗi.

Đối với người bị bệnh sốt xuất huyết:

- Không cho người bệnh uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết).
- Không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi đang sốt.
- Không cữ ăn, không nhịn uống.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc