Dân số Việt Nam sắp đạt mốc 90 triệu người

06:56, 25/09/2013
|

(VnMedia)  - Theo thống kê, dân số nước ta năm 2002 là 79,54 triệu người, đến 1/4/2012 đạt 88,78 triệu người. Dự kiến, ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam sẽ chính thức đạt mốc 90 triệu người.

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số diễn ra vào ngày 24/9 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (PLDS), Việt Nam đã đạt những thành tựu hết sức quan trọng. Về mức sinh, nếu như năm 2002, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 2,28 con, thì đến năm 2012 giảm xuống còn 2,05 con và Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2006; tỷ lệ gia tăng dân số giảm từ 1,17% (năm 2002), xuống còn 1,06% (năm 2012); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đã giảm từ 21,7% (năm 2002), xuống còn 14,2% (năm 2012). Quy mô dân số nước ta năm 2002 là 79,54 triệu người, đến 1/4/2012 đạt 88,78 triệu người. Dự kiến, ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam sẽ chính thức đạt mốc 90 triệu người. Như vậy mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản mà Chính phủ đặt ra đến năm 2015 quy mô không vượt quá 93 triệu người là khả thi.

Bên cạnh đó, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng giảm mạnh từ 6,3 con (1960) xuống còn 2,05 (2012); tuổi thọ bình quân của người dân cũng tăng từ 40 tuổi (1960) lên 73 tuổi (2012); tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% (1960) xuống chỉ còn 1,06% (2012).
Kết quả đạt được của công tác DSKHHGĐ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


 Duy trì giai đoạn “dân số vàng”

Hhiện nay, nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song quy mô dân số khá lớn. Chất lượng dân số thấp, tốc độ già hóa nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề nóng và tiếp tục tăng cao, nếu không được xử lý kiên quyết ngay bây giờ sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề về mặt xã hội, kinh tế thậm chí về an ninh chính trị…

Việc mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, việc tận dụng cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng” chưa được quan tâm và tận dụng đúng mức.Trong đó, Hưng Yên có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước là 130,7 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Mong muốn phải có "con trai để thờ cúng tổ tiên, nối dõi, chăm sóc cha mẹ khi già yếu” vẫn còn khá phổ biến ở các gia đình.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi đến năm 2012 đã tăng lên hơn 81%. Pháp lệnh dân số cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng tỷ số giới tính khi sinh vẫn tăng đều đặn. Như vậy, việc vi phạm các quy định xung quanh vấn đề giới tính khi sinh là khá phổ biến.  

Do vậy, nhiều vấn đề mới cần luật hóa để sớm được điều chỉnh, như: Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; phân bố, quản lý dân cư; di cư và đô thị hóa; nâng cao chất lượng dân số, hôn nhân đồng tính, mang thai hộ..

Cũng vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật, trong đó, một số nội dung cần được điều chỉnh như: việc hiến, tặng, mua bán tinh trùng, trứng, phôi; mang thai hộ, mang thai thuê; tư vấn dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh; lựa chọn giới tính…

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, dự án Luật Dân số cần điều chỉnh, theo hướng quy định chặt chẽ hơn về nạo phá thai, điều kiện đối với người được phá thai. Chẳng hạn, có ký cam kết tự nguyện phá thai với sự đồng ý của chồng (nếu đã có chồng) hoặc sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi); có chứng minh nhân dân để xác định họ tên và nơi ở; có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai mới được làm thủ thuật phá thai. Đặc biệt, phải bổ sung điều kiện về tuổi thai, lý do phá thai…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ luôn coi vấn đề duy trì và phát triển dân số là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng kế hoạch truyền thông, giáo dục nhận thức cho học sinh, sinh viên tôn trọng giá trị gia đình, không lệch lạc trong quan niệm về sinh sản. Giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu: “Đất nước muốn phát triển bền vững thì dân số cũng phải ổn định và bền vững”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xây dựng chính sách để khuyến khích, động viên những người trong độ tuổi sinh sản đẻ 2 con để góp phần duy trì giai đoạn “Dân số vàng” đến năm 2061. Đồng thời, Bộ LĐTBXH cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động theo hướng tăng, để đảm bảo cơ cấu lao động hợp lý; xây dựng chính sách, duy trì những chế độ ưu đãi đối với những gia đình sinh 2 con.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc