(VnMedia) - Bệnh nhân là cháu Nguyễn Đăng Đ. (13 tuổi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bị đuối nước chiều 4/9.
Sáng 11/9, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Bệnh nhân là cháu Nguyễn Đăng Đ. 13 tuổi, ở xã Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh, đang khỏe mạnh bình thường. Cháu bé được chẩn đoán phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước. Trong quá trình ngã dưới nước chất độc trong mương nước đã ngấm vào người, sau vài tiếng phá hủy phổi.”
Cháu Đ. kể lại, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 4/9, khi đi học về, do trời mưa quần áo ướt hết, các bạn rủ nhau ra mương chơi, vì không biết bơi nên Đ. đứng chỗ nông để chơi. Một lúc sau các bạn đùa kéo cháu bé xuống, dìm xuống nước, nhưng lúc sau Đ. chấp chới. Do xuống chỗ nước sâu quá, các bạn không kéo lên được và hoảng sợ, đi gọi người lớn giúp.
Mặc dù được cứu, Đan đã đi được xe đạp về nhà, nhưng 3 tiếng sau, người Đan tím tái, khó thở nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu.
Cháu Đan đã khỏe mạnh trở lại. |
Sau đó cháu Đan được chuyển lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển rất nhanh, dù tự thở được được nhưng vì phổi bị tổn thương nên không thể làm nhiệm vụ trao đổi ô xy.
Ngay sau đó các bác sỹ đã phải cho bé thở máy, bởi nếu không được thở máy kịp thở trẻ có thẻ tử vong rất nhanh. Chiến lược máy được áp dụng kịp thời khiến cháu bé thở được và luôn luôn làm cho phổi căng.
Sau 3 ngày thở máy, sức khỏe của cháu bé tiến triển tốt lên. Đến nay, các bác sỹ đã rút máy thở và cháu bé đã ăn uống, đi lại bình thường, 1-2 ngày nữa bé Đ. có thể xuất viện, sức khỏe tốt, không có biến chứng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, sau khi cấp cứu ban đầu, cần đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra để nếu bị phù phổi cấp được chụp phổi phát hiện sớm thì việc cứu chữa sẽ dễ dàng hơn.
Qua trường hợp trên, phó giáo sư Dũng khuyến cáo các gia đình nếu có trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở hồ ao kênh rạch thì sau khi cấp cứu ban đầu kể cả bệnh nhân tự thở, dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện. Bởi đa phần những bệnh nhân bị đuối nước sẽ bị phù phổi cấp tổn thương xảy ra ngay sau đó vài giờ.
Bác sỹ Dũng cũng đặc biệt lưu ý với người dân, nước ở hồ, ao, sông, ngòi hiện nay có rất nhiều vi khuẩn và hóa chất độc hại có thể gây ra phù phổi rất nhanh.
* Theo báo cáo của 63 địa phương, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2010 nhưng vẫn còn cao. Năm 2012, khoảng 1.708 trẻ em tử vong do đuối nước trong tổng số 2.769 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 700 trẻ em tử vong do đuối nước và tập trung vào mùa hè. Đặc biệt, trong năm 2012-2013 chưa xảy ra các vụ đắm tàu thuyền nào làm nhiều trẻ em bị thiệt mạng.
Mặc dù số trẻ em tử vong vì đuối nước giảm nhưng mục tiêu của kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em là đến năm 2015 giảm được 1/4 số trẻ bị tử vong do đuối nước năm 2010 (hơn 3.000 trẻ) đang đặt ra nhiều thách thức đối với các bộ, ngành và địa phương.
Ý kiến bạn đọc