(VnMedia) - Ung thư da là một tình trạng phát triển bất thường của tế bào da, là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay. Ai cũng có thể bị nhiễm ung thư da nhưng có một số yếu tố làm tăng tỉ lệ bị ung thư da. Vậy ai là người dễ mắc bệnh ung thư da?
Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào da. Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím. Đây là một loại sóng ánh sáng phát ra từ ánh sáng mặt trời và thường được sử dụng trong các kỹ thuật làm sạm da. Tia cực tím có thể xuyên qua da và làm tổn thương các tế bào, chịu trách nhiệm cho phần lớn các trường hợp ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang do tuổi tác.
Ung thư da gồm ba loại thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố, trong đó phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Loại ung thư tế bào hắc tố nặng hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da và có nguy cơ di căn đến các mô khác cao nhất trong ba loại.
Ung thư da là bệnh phổ biến và có thể chữa đượ nếu phát hiện sớm. |
Ung thư da có nguy hiểm?
Ung thư da là một trong những dạng ung thư hay gặp song nếu phát hiện sớm có thể điều trị được. Ung thư da không nguy hiểm như các loại ung thư khác, do vậy tỷ lệ tử vong ung da thấp. Tuy nhiên, nếu bạn xem nhẹ bệnh này và không chữa trị sớm, kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ xảy ra.
Ung thư da giai đoạn đầu thường xuất hiện những ban đỏ hoặc nốt sần lên trên bề mặt da giống như bị tổn thương da, bề mặt thường kèm theo bong vẩy hoặc hình thành sự đóng vảy, triệu chứng cũng giống với các bệnh lành tính như vẩy nến, viêm da, eczema… Khi bệnh phát triển hơn nữa sẽ có những triệu chứng đặc trưng hơn như nốt sần sáng, hơi trong suốt có kèm các nốt nhỏ, bề mặt rỉ máu và mao mạch chân lông giãn nở. Hoặc bề mặt nhẵn bóng, kết thành mảng giống như sẹo, không nhìn rõ mao mạch chân lông giãn nở, vết loét và sưng.
Ngoài ra, có bệnh nhân còn xuất hiện vết sần cứng hoặc hiện tượng xơ hóa trên da, thường thấy nhiều ở vùng cổ, chủ yếu mảng bám cứng màu vàng nhạt hoặc màu trắng-vàng, hơi sưng, đường biên xung quanh vết sần không rõ ràng, có thể nguyên vẹn trong thời gian khá lâu, nhưng đến giai đoạn cuối sẽ loét ra.
Dấu hiệu nhận biết ung thư da
- Đa số ung thư da có biểu hiện là các nốt ruồi có màu sắc hỗn hợp nâu, đen, đỏ, trắng, xanh không đều nhau.
- Nốt ruồi, bớt hoặc đốm trên da thay đổi về kết cấu, trở nên dày hơn, to hơn, có đường viền bất thường, xuất hiện sau tuổi 21 hoặc lớn hơn cục tẩy ở đầu bút chì.
- Bề mặt thô nhám, có dạng vảy, đôi khi có hiện tượng chảy máu hoặc mủ.
- Vùng da xung quanh tổ chức bệnh có thể bị phù nề, hoặc mất độ sáng da ban đầu, hoặc chuyển sang màu trắng, màu xám.
- Có cảm giác ngứa, rát hoặc đau cục bộ.
Các chuyên gia, khi có một trong các triệu chứng trên, người bệnh cần kịp thời đến bệnh viện có uy tín để kiểm tra, chẩn đoán, tránh tình trạng phát hiện bệnh quá muộn rất đáng tiếc.
Ai mắc ung thư da?
Ung thư da là một trong những bệnh lý ác tính thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh ở người da trắng cao hơn. Ung thư da thường thấy nhiều ở người cao tuổi, độ tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 51 – 60 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân lớn nhất gây ung thư da. Phơi nắng dưới môi trường tiềm ẩn nguy hiểm, sự bức xạ, thậm chí tính di truyền cũng đóng vai trò quan trọng. Theo nghiên cứu, những trường hợp sau dễ có nguy cơ mắc các bệnh ung thư da, bao gồm:
- Người da trắng và mắt sáng màu
- Người có rất nhiều nốt ruồi hình dạng bất thường và kích cỡ lớn
- Người trong gia đình có tiền sử mắc ung thư da
- Người từng cháy nắng
- Người luôn phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và ngoài trời trong thời gian dài
- Người từng phải điều trị bức xạ
Để giảm nguy cơ ung thư da
Ung thư da là bệnh phổ biến và có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư da:
- Tránh làm việc và tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu. Tia cực tím thường mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày.
- Nên dùng kem chống nắng trước khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Các loại kem chống nắng hiện nay chứa các chất ngăn chặn tác hại của tia UVA và UVB. Dùng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi sáng, kể cả môi, 30 phút trước khi ra nắng, rồi thoa lại sau vài giờ. Bạn cần dùng kem chống nắng cho các em nhỏ cũng như hướng dẫn các bé lớn cách sử dụng.
- Không nên tắm nắng.
-Kiểm tra sức khỏe da thường xuyên, ít nhất mỗi 3 tháng, phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường, các nốt ruồi thay đổi kích thước, tính chất,…
Ý kiến bạn đọc