(VnMedia) - Hiện nay, do quy định chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trái tuyến hiện đang được thanh toán ở mức tương đối cao từ 30- 70% chi phí, nên một thực tế là nhiều người bệnh vẫn đang được "khuyến khích” đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên, gây quá tải.
Quá tải bệnh viện tuyến trên ngày càng trầm trọng, để khắc khục tình trạng này Bộ Y tế, ngày 21/8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Nhiều đại diện các cơ sở y tế cho rằng, đây là thông tư “gây khó” cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân.
Theo dự thảo thông tư, điều kiện để chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên là khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới. Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật quy định, bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế hoặc theo nguyện vọng của người bệnh.
Về vấn đề, tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm y tế -bảo vệ sức khỏe toàn dân” ngày 28/8, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, một trong những nguyên nhân là việc chi trả BHYT khi vượt tuyến là 30-70%. Đó cũng là bất cập và đề nghị nên thay đổi. Khi đã vượt tuyến thì phải tự chi trả, trừ trường hợp cấp cứu. Khi bệnh nhân cấp cứu đã ổn định sẽ chuyển xuống tuyến dưới để điều trị cho phù hợp. Còn nếu muốn điều trị ở bệnh viện trung ương thì phải chi trả cho giai đoạn điều trị đó.
Ảnh minh họa. |
Cùng quan điểm này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, khi xây dựng Luật BHYT đưa ra cơ chế thanh toán vượt tuyến, trái tuyến để bảo đảm tốt quyền cho bệnh nhân. Với một số nhóm đối tượng do điều kiện khách quan, họ không thể đi đến đúng tuyến thì vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Trong lần sửa Luật này đã đề cập làm sao đưa điều trị trái tuyến vào đúng quỹ đạo, để phục vụ tốt người bệnh, tránh việc quá tải do đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam số người khám BHYT tuyến huyện là hơn 90%, tuyến tỉnh là hơn 80% còn tuyến TƯ như Bệnh viện Nhi TƯ thì khoảng 70% còn những bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến khi thanh toán thì đều sử dụng thẻ BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trước khi ban hành Luật BHYT, BHYT mới chỉ bao phủ 46% dân số. Tới cuối 2012, BHYT đã bao phủ 67%. Người dân tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt quyền lợi của người tham gia được đảm bảo và mở rộng nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT có một số vướng mắc chưa hợp lý cần chỉnh sửa, mục đích nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, với mục tiêu là phải đạt được trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, và 2020 là trên 80% và chất lượng khám chữa bệnh của các BV phải được nâng lên, đổi mới cơ chế tài chính. Những nội dung chưa phù hợp thực tiễn sẽ được nghiên cứu, sửa đổi, những nội dung phù hợp cần tiếp tục phát huy . Những sửa đổi phải phù hợp với luật liên quan như Luật khám chữa bệnh, Luật Hiến ghép mô tạng…
Ý kiến bạn đọc