(VnMedia) - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số ổ dịch lại tăng 33%. Theo các chuyên gia dịch đang có diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, chỉ riêng trong tuần trước, thành phố đã ghi nhận thêm 7 ổ dịch mới, nâng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên thành 48, tăng so với cùng kỳ năm 2012, Trong đó tập trung tại 13 quận, huyện như: Đống Đa (15 ổ dịch), Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng…
Điều đáng lưu ý là mô hình vi rút Dengue (gồm các týp D1, D2, D3, D4) gây bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội có sự thay đổi so với các năm trước.
Đến hết ngày 11/8, trong 86 ca lấy mẫu xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) thì có 12 ca dương tính với D3; trong khi các năm trước vi rút Dengue phân bố tại Hà Nội chủ yếu là tuýp D1 và D2.
Trên cả nước, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là hơn 30.000 ca, giảm 28%. Trong đó, đáng chú ý số mắc tại miền Nam giảm, nhưng miền Trung và Tây Nguyên lại tăng mạnh.
Đây là thời điểm dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa. Để chủ động phòng bệnh, người dân cần vệ sinh sạch sẽ môi trường, nơi ở, không để vật chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
Ảnh minh họa. |
Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với các đặc điểm: sốt đột ngột, liên tục và sốt cao. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày với biểu hiện rất đa dạng: chảy máu cam, chảy máu dưới da, nôn hay tiểu ra máu. Tuy nhiên, có những trẻ hoàn toàn không bị xuất huyết, bệnh chỉ biểu hiện với các triệu chứng sốt, ho, đau họng cho nên có thể nhầm với viêm họng. Bệnh SXHD xảy ra phức tạp, đặc biệt là biến chứng sốc có thể dẫn đến tử vong, vì vậy được chia thành 4 thể bệnh (cấp) để tiện cho việc theo dõi đánh giá và tiên lượng bệnh.
Cấp 1:Người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết.
Cấp 2: người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài (nữ giới).
Cấp 3: Người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc
Cấp 4: Bệnh nhân bị sốc nặng. Đặc biệt, cần lưu ý là xuất huyết không phải là một triệu chứng bắt buộc, có hay không xuất huyết thì bệnh vẫn có thể xảy ra sốc.
Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh SXH. Đa số trẻ SXH bị tử vong là do sốc nặng. Sốc là một hội chứng (gồm nhiều triệu chứng) với sự thể hiện tụt nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt giảm xuống dưới mức bình thường), nếu thân nhiệt giảm cùng với thời điểm của thuốc hạ nhiệt tác động mạnh thì rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi, lờ đờ, thậm chí lơ mơ, mê sảng. Kèm theo các biểu hiện đó là tụt huyết áp.
Ý kiến bạn đọc