(VnMedia) - Ngày 28/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm y tế- bảo vệ sức khỏe toàn dân”. Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên; Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phạm Lương Sơn và Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định, bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách hết sức nhân đạo và có sự chia sẻ cộng đồng. Từ sau khi Luật BHYT ra đời, số lượng người dân tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt quyền lợi của người tham gia cũng được bảo đảm và mở rộng nhiều. Tính đến cuối năm 2012, BHYT đã bao phủ 67% dân số. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thành lập ban soạn thảo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với mục tiêu đạt trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, trên 80% dân số vào năm 2020, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện.
BHYT chưa đủ sức thu hút người dân?
Hiện nay, nếu chỉ khám chữa bệnh thông thường thì nhiều người dân sẵn sàng chi trả bằng tiền túi, điều này phản ánh thực trạng BHYT hiện vẫn chưa đủ sức thu hút người dân?
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho rằng, đây là hiện tượng mang tính cá biệt còn trong thực tế quan niệm của người dân, xã hội đã có thay đổi cơ bản về BHYT. Nếu những năm 1992-1998 khi nhận thức của người dân về BHYT còn hạn chế nhưng hiện nay, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam số người khám BHYT tuyến huyện là hơn 90%, tuyến tỉnh là hơn 80% còn tuyến Trung ương như Bệnh viện Nhi Trung ương thì khoảng 70% còn nhưng bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến khi thanh toán thì đều sử dụng thẻ BHYT.
Theo ông Sơn, thái độ của người dân, xã hội về BHYT là rất tích cực, tất nhiên có một số trường hợp người dân khi ốm đau mới mua BHYT mà chuyên môn gọi là “lựa chọn ngược”. Và trong sửa đổi Luật BHYT sắp tới chúng ta cần nghiên cứu để khắc phục điều này và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chuyên ngành Nhi khoa thì có thực tiễn là có 2 đối tượng trẻ khám bệnh là dưới 6 tuổi và trên 6 tuổi. Thông thường trẻ dưới 6 tuổi được Bảo hiểm xã hội chi trả, còn trên 6 tuổi là phải mua BHYT. Và nhiều trường hợp bệnh nặng, nhưng không có BHYT khi bệnh viện cũng hỏi ra thì bố, mẹ cho biết chưa mua được cho trẻ vì chưa đến năm học. Tức là có thực tiễn là bán BHYT ở trường học, và đây là thực tiễn Bảo hiểm xã hội phải cần thay đổi để gia đình mua thẻ BHYT cho trẻ thuận liện hơn. Thứ hai, một số trường hợp tuyến dưới chuyển lên nhiều là do người dân chưa tin lắm hệ thống KCB tuyến dưới, thậm chí không cần BHYT mà họ vẫn lên tuyến trên. Vì vậy cần phải suy nghĩ làm thế nào để củng cố hệ thống y tế tuyến dưới để người dân có thể khám chữa bệnh ngay từ tuyến dưới, đảm bảo được quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm y tế- bảo vệ sức khỏe toàn dân”. |
Có sự bất bình đẳng trong khám chữa bệnh?
Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế (ngay cả y tế công lập), tình trạng bất bình đẳng trong việc khám chữa bệnh của y, bác sỹ đối với các đối tượng khác nhau. Đối nghịch với cảnh mòn mỏi chờ đợi khám bệnh quá dài, quá mệt mỏi ở khu khám bệnh theo BHYT thì ở khu vực khám dịch vụ theo yêu cầu- nơi có sự góp vốn cổ phần của tư nhân thì như một thế giới khác và đương nhiên người bệnh có thể được khám ngay trong ngày. Thực tế trên đã tạo ra bức tranh bất bình đẳng, tạo sự phản cảm phân biệt đối xử với người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, xã hội hóa trong y tế đem lại quyền lợi rất lớn cho người bệnh vì trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn xã hội hóa vào bệnh viện và nhất là đầu tư trang thiết bị y tế giúp các bệnh viện có điều kiện để chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
"Tuy nhiên, một số bệnh viện cũng thực hiện xã hội hóa chưa phù hợp, dẫn tới trong thời gian qua, dư luận có một vài bức xúc. Do vậy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với thanh tra các Sở Y tế thanh tra các bệnh viện thuộc Sở. Với các bệnh viện thuộc Bộ chúng tôi cũng đã có các cuộc thanh tra chuyên về xã hội hóa, đã báo cáo Bộ trưởng để có chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện xã hội hóa theo đúng tinh thần chủ trương xã hội hóa mà Đảng, Nhà nước đã ban hành", bà Xuyên nhấn mạnh.
Hiện nay tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu mới được khám bệnh nhưng thời gian y, bác sỹ dành khám cho bệnh nhân lại quá nhanh, chỉ khoảng 2- 10 phút đã gây bức xúc trong xã hội.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: Hiện một ngày có khoảng 3.000 trẻ đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, một bác sỹ (với 8 giờ làm việc/ngày theo quy định) phải khám khoảng 50- 60 bệnh nhân (thời gian dành khám cho một bệnh nhân khoảng 7,5 phút/người). Như vậy không phải là quá tải, chờ đợi lâu.
"Về phản ánh thời gian khám bệnh chỉ 2-10 phút thì là khám thực thể còn lại là thời gian xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ để chẩn đoán cụ thể, vì vậy, thời gian chờ đợi của bệnh nhân có thể dài hơn", bà Xuyên khẳng định.
Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho khẳng định, BHYT là chính sách hết sức nhân đạo và có sự chia sẻ cộng đồng. Trước khi ban hành Luật BHYT, BHYT mới chỉ bao phủ 46% dân số. Tới cuối 2012, BHYT đã bao phủ 67%. Người dân tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt quyền lợi của người tham gia được đảm bảo và mở rộng nhiều.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT, phải nói cũng có một số vấn đề chưa hợp lý, cần phải chỉnh sửa, đòi hỏi có các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tiến tới lộ trình BHYT toàn dân cũng như thực hiện các giải pháp quyết liệt để tiến tới lộ trình này. Trong Đề án được Thủ tướng phê duyệt, đã đưa các giải pháp tương đối quyết liệt để tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Trước hết, chúng ta phải làm thế nào nghiên cứu ban hành chủ trương chính sách BHYT cho phù hợp.
Thứ 2, nêu cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương và các tổ chức chính trị phải vào cuộc.
Thứ 3, chúng ta phải làm thế nào để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân và tập trung đưa các giải pháp vào các nhóm đối tượng, nhất là hiện nay có một số nhóm được Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí như cận nghèo, học sinh sinh viên… Nhiều doanh nghiệp hiện cũng chưa quan tâm đảm bảo đóng BHYT cho người lao động. Làm thế nào đưa tỷ lệ đó tăng lên.
Về phía Bộ Y tế, chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt phải tuyên truyền để người dân hiểu tính ưu việt của BHYT, quyền lợi của người dân, để họ thấy quyền lợi, lợi ích để tham gia.
Hiện Chính phủ có Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính với các đối với sự nghiệp y tế với nhiều đổi mới. Đối với BHYT cũng có đổi mới.
* Để BHYT thực sự là lá chắn, là công cụ hữu hiệu bảo vệ sức khỏe toàn dân, và tiến tới hoàn thành mục tiêu mà đề án Bảo hiểm y tế toàn dân đề ra trong năm 2015 hơn 70% và năm 2020 là hơn 80% số dân tham gia BHYT thì ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị còn là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Việc tham gia đóng góp quỹ một cách đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người. Hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và đóng cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe chung của cả cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc