(VnMedia) - Theo thống kê, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 20%. Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại buổi họp báo về Ngày Dân số Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 10/7.
Ảnh minh họa. |
Mang thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), các em đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mà tự mình không thể giải quyết được, đặc biệt là thường phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi, phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.
Mang thai tuổi VTN là vấn đề cấp thiết mà trẻ em gái VTN trên toàn thế giới đang phải đối mặt không chỉ là vấn đề liên quan đến sức khỏe mà còn là vấn đề phát triển. Nó có nguyên nhân sâu xa từ đói nghèo, mất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, sự không công bằng về quyền lực giữa trẻ em gái và bạn trai của họ do các em không được đi học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề bất cập trong công tác dân số đó là các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đặc biệt là ở tuổi VTN. Đó là tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn dẫn đến tình trạng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở những bạn trẻ. “Đặc biệt, những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén ở tuổi vị thành niên và thanh niên như sản giật, tiền sản giật, chảy máu đe dọa tính mạng người mẹ,” ông Tiến phân tích.
Đặc biệt, với những VTN này chưa chắc đã có gia đình, tỷ lệ nạo phá thai sẽ tăng lên ở đối tượng này. Chúng ta đều biết nạo phá thai đều có nguy cơ tai biến sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tương lai lâu dài như vô sinh, tắc nghẽn vòi trứng, viêm nhiễm, tổn thương cổ tử cung…
Những con số giật mình
Số liệu của Bộ Y tế và các điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, và đã thành công trong việc hoàn thành hầu hết các mục tiêu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng hơn 1/3 thanh niên Việt Nam còn chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai và vẫn gặp nhiều cản trở trong việc tiếp cận các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15-19 sinh con. Cứ 10 em trong số này thì có 9 em đã kết hôn – đây chính là thực tế dẫn tới thực trạng sinh con trong độ tuổi vị thành niên.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em, tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và đến năm 2012 là 3,2% tương ứng với tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (năm 2011) và 2,3% năm 2012.
Vì vậy, vị chuyên gia của Liên hợp quốc phân tích, để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên và thanh niên, Việt Nam cần có những bước đi, cách làm, chiến lược truyền thông, hành động cụ thể, để giảm tỷ lệ mang thai ở độ tuổi này.
Nhân ngày Dân số Thế giới năm 2013, Bộ Y tế và Liên hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giải quyết các yếu tố ảnh hưởng tới mang thai sớm trong nhóm trẻ em gái vị thành niên ở Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc