Giảm tải bệnh viện, nâng cao y đức và tạo dựng hình ảnh bệnh viện thân thiện là những nhiệm vụ trọng tâm đang được ngành y tế triển khai quyết liệt. Đây cũng là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, gửi ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành hữu quan…
Thực tế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến trên là câu chuyện từ nhiều năm nay, giải quyết tình trạng này là một yêu cầu bức thiết. Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư phát triển mạnh hệ thống y tế, nhưng nguồn lực đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra trầm trọng trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục; gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh, cán bộ y tế và tác động tiêu cực tới chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: xây dựng các bệnh viện vệ tinh, triển khai Chương trình 1816, đầu tư nâng cấp, xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh... nhằm mục đích điều trị bệnh nhân tại các cơ sở tuyến dưới. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn chưa được khắc phục, trong khi nhu cầu KCB của người dân luôn vượt quá khả năng phục vụ của các bệnh viện, bình quân tăng 10%/năm.
Để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm tải bệnh viện 2012 - 2020, với tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là 36.752 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở cả khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. Trước mắt, đề án ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện hiện đang có mức quá tải cao. Lộ trình năm 2013, lập dự án đầu tư từng cụm trung tâm y tế; năm 2014 sẽ tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng và thiết kế từng phần và năm 2015 trở đi sẽ thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, đề án đẩy mạnh phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện Trung ương; phát triển Đề án bác sĩ gia đình... Các đề án này khi được triển khai sẽ góp phần làm giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/5 vừa qua, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để giải quyết tình trạng quá tải, trong một thời gian ngắn, Bộ đã tập trung ngân sách và không đầu tư dàn trải nên hiện đã đưa vào hoạt động hơn 1.300 giường bệnh mới; các cơ sở KCB mới được đưa vào sử dụng như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai, mở rộng Trung tâm Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai... Đó là nỗ lực lớn nhằm giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chỉ số giường bệnh trên 1.000 dân ở nước ta hiện rất thấp nên quá tải là khó tránh khỏi. Tới đây, ngành y tế sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại hiện nay, song việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện không chỉ thực hiện trong một sớm, một chiều. Giảm quá tải bệnh viện yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, Bộ Y tế không có tiền làm nhà, xây bệnh viện, không có tiền mua trang thiết bị…
Lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành và triển khai thực hiện trong toàn ngành quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế, việc làm này đang đượåc dư luận xã hội đánh giá cao; Bộ Y tế coi đây là việc làm thiết thực để làm sáng lên đạo đức người thầy thuốc và tạo dựng hình ảnh bệnh viện thân thiện trong lòng người dân. Thực tế, trước đây vấn đề y đức đã được quy định trong nhiều văn bản như: Quy định về y đức; Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế; đặc biệt, những tiêu chuẩn y đức được quy định rất rõ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay nâng cao y đức cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Thực tế, hệ thống y tế đang tồn tại hai hình thức dịch vụ công và dịch vụ tư; y đức đang chịu thử thách của cơ chế thị trường, nên có lúc, có nơi nảy sinh những tiêu cực làm xấu hình ảnh người thầy thuốc, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường đã làm nảy sinh các mối quan hệ xã hội tương tác giữa người bệnh với người thầy thuốc có những điểm khác biệt chuẩn y đức truyền thống… Chính vì vậy, đòi hỏi ngành y tế phải có cách nhìn nhận, đánh giá và đưa ra các thực hành chuẩn y đức mới, phù hợp thực tiễn. Cùng với đó cần có sự phối hợp, cộng tác của toàn xã hội, cụ thể và trực tiếp là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh việc nâng cao y đức, để tạo hình ảnh đẹp về các cơ sở KCB, Bộ Y tế cũng đang triển khai những việc nhằm thay đổi bộ mặt tiến tới nâng cao hình ảnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện từ tuyến Trung ương tới địa phương. Cụ thể, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện quy trình rút ngắn đối với khám lâm sàng; xác định rõ trách nhiệm từ giám đốc bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thăm khám đến người nhà bệnh nhân… cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng đang được Bộ Y tế đẩy mạnh, theo hướng giảm bớt thủ tục KCB, thanh toán BHYT và tăng cường công tác giám sát, quản lý của ngành… Bộ Y tế cũng đang xây dựng Đề án đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến; đề án xây dựng cơ chế phản hồi thông tin giữa người bệnh với cơ sở y tế và cơ quan quản lý, từ đó thiết lập hệ thống đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ KCB tại cơ sở y tế, và các cấp quản lý, qua đó giúp lãnh đạo bệnh việån cũng như các cấp quản lý có cái nhìn thực tế, đánh giá đúng chất lượng dịch vụ y tế để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.
Ý kiến bạn đọc