(VnMedia) - Cúm A/H1N1 được coi là cúm thường đang vào mùa. Theo thống kê, trong vòng chưa đầy một tháng, đã có 3 người tử vong vì mắc cúm AH1N1 ở Thanh Hóa và Yên Bái.
Gần đây, dịch cúm H1N1 đã xuất hiện tại 2 tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng.
Đặc biệt là là chùm ca bệnh tại trường PTTH nội trú tỉnh Lào Cai. Được biết, dịch cúm xuất hiện và lan rộng tại trường PTTH nội trú tỉnh Lào Cai bắt đầu từ ngày 24/4 khi nhiều học sinh có các triệu chứng cúm như: đau mỏi người, đau đầu, sốt, viêm họng kèm theo có hắt hơi sổ mũi, ho…
Đến chiều ngày 29/4, toàn trường có 37 trường hợp nghi mắc cúm, qua hội chẩn diễn biến bệnh và lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả đều dương tính với cúm A/H1N1.
Hiện Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai phối hợp với Phòng Y tế Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tiến hành lập khu cách ly điều trị tại chỗ cho học sinh mắc bệnh; thành lập tổ điều trị tại khu cách ly của trường; khám cấp thuốc điều trị; phun xử lý môi trường khu giảng đường và ký túc xá; giám sát và theo dõi hằng ngày đối với những học sinh có tiếp xúc với bệnh nhân nhằm dập dịch kịp thời, không để lây ra diện rộng.
Ngoài những học sinh trên, hiện cơ quan y tế Lào Cai cũng đang điều trị 5 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 thuộc 2 gia đình ở thôn Làng Tòng, xã Quang Kim, huyện Bát Xát.
Theo đó, Sở Y tế Lào Cai đã yêu cầu các cơ sở y tế địa phương giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc với 5 bệnh nhân nói trên và tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1 tại địa bàn.
Bên cạnh đó, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đang cách ly điều trị cho 1 nam bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1. Đây là bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A/H1N1 được phát hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tính từ đầu năm đến nay.
Được biết, bệnh nhân này nhập viện vào ngày 24/4 với triệu chứng ho, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân có các biểu hiện như khó thở, sốt liên tục, hình ảnh chụp X-quang cho thấy hai phổi bị mờ… nên được các bác sỹ chuyển đến khu vực cách ly để theo dõi, điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1.
Cơ quan y tế Lâm Đồng cũng đã đến gia đình và nơi làm việc của bệnh nhân để điều tra dịch tễ cũng như hướng dẫn những người tại nơi này thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi, điều trị tại khu vực cách ly của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định.
|
Dấu hiệu của cúm H1N1
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các chủng cúm đều có chung biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người, tức ngực... Tuy nhiên, đối với từng chủng, có thêm những biểu hiện điển hình, nhưng muốn biết chính xác chủng cúm nào, đều cần phải xét nghiệm PCR.
Với cúm A/H1N1, thường biểu hiện sốt cao, đau khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, đau họng, chảy nước mũi. Một số người nhiễm virus này cũng có thể có biểu hiện buồn nôn, bị nôn và tiêu chảy nhưng đó không phải là những triệu chứng đặc trưng. Cúm A/H1N1 lây từ người sang người thông qua hô hấp hoặc dịch tiết. Cúm A/H1N1 dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh mặc dù ở một số người, hầu hết là trẻ em, nguy cơ lây nhiễm lên tới 10 ngày. Chủng cúm này không lây qua các thực phẩm chế biến từ thịt, gia cầm, thủy cầm và cũng không lây qua con đường thực phẩm.
Khuyến cáo của Bộ Y tế phòng ngừa cúm A/H1N1
Để hạn chế dịch lây lan dịch trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
Khu vực học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, đặc biệt là tại các công sở, khu vực tập trung đông người: Phải chủ động theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh thì chủ động cách ly và thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, cẩn trọng trong vệ sinh cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh vệ sinh môi trường, nơi ở, làm việc thông thoáng.
Ý kiến bạn đọc