Nhiều người mắc bệnh máu khó đông mà không biết

13:57, 18/04/2013
|

(VnMedia) - Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 6.000 người mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia) nhưng trên trực tế số người được phát hiện, chẩn đoán và điều trị còn rất ít (chỉ khoảng 30%).

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam, Viện phó Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, cho biết, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách người có Hemophilia hoàn toàn có thể sống, làm việc và đóng góp cho xã hội như những người khỏe mạnh.

Ảnh minh họa

Hemophilia là bệnh rối loạn chảy máu do thiếu yếu tố cần thiết để làm đông máu. Bệnh có thể gây chảy máu bất cứ vị trí nào trên cơ thể với các dấu hiệu như bầm tím dưới da, nhưng gặp nhiều nhất là chảy máu ở vị trí các khớp, các cơ gây sưng đau và nặng hơn có thể bị xuất huyết não dẫn đến tử vong. Bệnh thường được chẩn đoán muộn và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Để phòng ngừa bệnh, các cặp vợ chồng trước khi cưới nên đi khám để được tư vấn và tầm soát các bệnh di truyền. Đối với những người trong gia đình đã có những người bị rối loạn cầm máu và đông máu, khi bị chấn thương cần vào viện ngay. Trẻ mắc bệnh máu khó đông cần tránh các vận động mạnh gây chấn thương.

Những trường hợp bị chảy máu khó cầm hoặc thường xuyên bị bầm tím, đau khớp thì nên nghĩ tới bệnh máu khó đông. Khi đã được chẩn đoán bệnh thì nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không tiêm bắp, châm cứu hay massage, tránh sử dụng các thuốc gây chảy máu như aspirin, tập thể dục cơ khớp để giảm chảy máu...

Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc