Dịch cúm H7N9 tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc

13:03, 17/04/2013
|

(VnMedia) - Theo Tân Hoa xã, trong hai ngày 16-17/4, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 14 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 và hai trường hợp đã tử vong.


 Ảnh minh họa

 

Như vậy, hiện tổng số ca nhiễm H7N9 tại Trung Quốc đã lên tới 77 người, trong đó có 16 người chết vì loại virus này.

 

Theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc (NHFPC), thành phố Thượng Hải là địa phương có tổng số ca nhiễm nhiều nhất (30 ca, 11 người tử vong), sau đó là các tỉnh Chiết Giang (21 ca, hai trường hợp tử vong) và tỉnh Giang Tô (20 ca, hai người tử vong). Ngoài ra, một số địa phương khác tại Trung Quốc như tỉnh An Huy, Hà Nam và thậm chí là thủ đô Bắc Kinh cũng đã xác nhận có các ca nhiễm mới.

 

Ủy ban trên cho biết toàn bộ những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virus H7N9 đều được theo dõi chặt chẽ và đến nay chưa phát hiện các triệu chứng bất thường nào.

 

Theo Ủy ban NHFPC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nhân nhiễm virus từ gia cầm hoặc môi trường nhiễm bệnh. Các trường hợp nhiễm H7N9 có thể tiếp tục tăng cho đến khi các nguồn nhiễm bệnh được kiểm soát hiệu quả.

 

Giới chuyên gia đặc biệt lo ngại trước khả năng virus H7N9 được truyền từ người sang người và có thể gây ra đại dịch. Tuy nhiên, WHO cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy khả năng này xảy ra.

Hà Nội: 13 tỷ đồng phòng chống dịch cúm

UBND TP Hà Nội vừa quyết định phê duyệt kế hoạch tài chính cho Dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và phòng đại dịch ở thành phố Hà Nội năm 2013 (Dự án VAHIP Hà Nội).

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao cho Ban Quản lý dự án VAHIP Hà Nội với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng thực hiện dự án trong năm 2013. Nguồn kinh phí thực hiện dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp từ Dự án phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam .

Dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 đều xuất phát từ gia cầm, muốn không bị lây bệnh sang người, trước tiên phải chặn từ nguồn lây. Tuy nhiên, tình trạng gà thải loại, gà giống từ Trung Quốc vẫn được tuồn vào Việt Nam , trong đó có Hà Nội.

Đặc biệt, hiện có một lượng lớn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc được tuồn vào một số bếp ăn tập thể các khu công nghiệp Hà Nội. Do vậy, cần ngăn chặn việc giết mổ gia cầm tại chợ, trong đó có chim bồ câu. Các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc