Việt Nam: Hơn 70 triệu người mắc bệnh răng miệng

15:18, 20/03/2013
|

(VnMedia)  - "Răng tốt cho cuộc sống tươi đẹp” là thông điệp mà “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới” năm 2013 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào ngày 20/3.

Theo kết quả điều tra mới đây nhất từ Bộ Y Tế thì có đến 90% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng và có khoảng 55% dân số không bao giờ đi khám răng.

Cũng theo thống kê này hai bệnh thường gặp nhất về răng miệng chính là sâu răng và nha chu (bệnh về nướu). Vì thế mục đích của “Ngày Hội Răng Miệng Thế Giới” mà Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào năm nay cũng chính là nâng cao ý thức cộng đồng trong vấn đề chăm sóc răng miệng đúng cách, phòng ngừa các bệnh về răng miệng.

Theo thống kê, có 3 nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh về răng miệng thường gặp chính là kiến thức chăm sóc sức khỏe răng miệng chưa cao  và đây là nguyên nhân chủ yếu, thứ hai do nồng độ Fluor trung bình trong nước quá thấp, chỉ bằng 1/2 so với tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí có nơi hoàn toàn không có Flour trong nước và thứ ba là do thói quen ăn uống nhiều đường. Tuy các bệnh về răng miệng ít khi gây các triệu chứng nghiêm trọng và hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không chăm sóc và phòng ngừa đúng cách, bệnh vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

 Ảnh minh họa


Thói quen ảnh hưởng đến răng miệng

 

Nghiến răng: Mộtsố trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu.

 

Cắn môi má: Trẻ thích cắn môi má thường có những stress tình cảm, thường xuất phát từ những bất hạnh và mâu thuẫn trong gia đình.

 

Thở miệng: Trẻ thở miệng có thể do đường mũi bị cản trở, do có thói quen thở miệng hoặc trẻ thở bằng mũi nhưng do môi trên quá ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi. Điều này dễ dẫn đến răng bị mọc lệch lạc.

 

Mút môi: Mút môi lâu ngày dẫn đến các răng cửa dưới nghiêng vào trong, về phía lưỡi và các răng cửa trên nghiêng ra trước, về phía môi, gây nên tình trạng răng chìa ra quá mức và răng trên che phủ răng dưới nhiều.

 

Mút ngón tay: Mút ngón tay hay gặp ở trẻ em. Nếu thói quen này kéo dài đến thời kì mọc răng cửa vĩnh viễn hàm trên, sẽ gây ra những rối loạn cho việc mọc răng hoặc sắp xếp răng hoặc cả hai.

Phòng tránh và ngăn ngừa các bệnh về răng miệng

- Chải răng đúng cách và đúng thời điểm, sử dụng kem đánh răng có hàm lượng Flour phù hợp

- Chải răng ngay sau khi ăn, trước khi đi ngủ và ngay thức dậy.

- Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn, chỉ nha khoa và dụng cụ cạo lưỡi.

- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh về răng miệng nhằm giảm chi phí điều trị khi răng đã mắc các bệnh về tủy.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc