(VnMedia) - Khó thở, suy tim, huyết áp giảm, cơ thể suy kiệt nặng là tình trạng khi nhập viện của bệnh nhân Nguyễn Đức H. (ở Đống Đa, Hà Nội). Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân tự ý dùng thuốc Nam khi bị bỏng.
Theo con trai của ông H., trước khi đưa bệnh nhân vào viện, bố anh bị bỏng nước sôi nên đã bôi thuốc mỡ của thầy lang, được 2 ngày sau thì ông kêu rát, không chịu được nữa nên mới vào viện.
Theo BS. Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, bệnh nhân H. đã bị bỏng nước sôi. Sau khi bị bỏng, bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc Nam đắp tại chỗ nhưng không rõ là thuốc gì. Sau đó 4 ngày, bệnh nhân có diễn biến nặng lên và vào cấp cứu tại Khoa Hồi sức trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn,
Tương tự như vậy, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị L. (ở TP. Hải Dương) cũng phải chịu những hậu quả nặng nề của do việc tự ý sử dụng các loại thuốc Nam.
Sau khi bị bỏng, nghe theo lời khuyên của mọi người bà L. đã tìm đến thầy lang để mua các loại thuốc Nam đê đắp lên vết bỏng của mình. Thời gian đầu dùng thuốc, vết thương của bà cũng khô ráo sạch sẽ, nhưng sau đó vài hôm vết bỏng của bà lại mưng mủ và lở loét nặng hơn.
Theo bà L. cho biết, khi bà tìm đến thầy lang, thầy đã đập trứng lấy lòng trắng và trộn với thuốc gì đó rồi cho bà đắp vào. Khi mới đắp vào bà thấy chỗ da bị bỏng mát thật. Nhưng sau đó 2 ngày, vết bỏng của bà bắt đầu chảy nước vàng và người bà thấy có hiện tượng nóng sốt. Sau đó bà buộc phải đến bệnh viện.
Ảnh minh họa |
Theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, hai trường hợp bệnh trên đều bị bỏng sâu, cần phải phẫu thuật những cả hai đều không biết mà cứ đi dùng thuốc bên ngoài, đến khi biến chứng nặng lên mới đến viện.
Như trường hợp của ông H. diện bỏng tuy không rộng (chỉ 12%) nhưng lại tự ý dùng thuốc mất vài ngày đầu, khiến điều trị bệnh muộn đã dẫn đến nguy kịch, ảnh hưởng đến toàn thân, phải hồi sức cấp cứu tích cực. Bệnh nhân này nếu có qua được cũng cần phải ghép da. Đó là hậu quả đáng tiếc của việc điều trị sai ban đầu.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiều người dân vẫn có quan điểm, thói quen khi bị bệnh không đến bác sĩ mà vẫn tự kê đơn, tự ý đến hiệu thuốc để mua rồi điều trị. Người dân vẫn cứ nghĩ bỏng rất đơn giản, chỉ là vết thương ngoài da, không có gì nguy hiểm cả. Tuy nhiên, tổn thương do bỏng ngoài những tổn thương tại chỗ còn có thể ảnh hưởng đến toàn thân như: gây đau đớn, mất nước điện giải, nhiễm khuẩn, nhiễm độc… Tất cả những yếu tố đó có thể khiến tình trạng bệnh nặng lên, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp phải chịu những hậu quả nặng nề do việc nghe theo lời mách bảo của những thầy lang chưa được cấp phép hành nghề sử dụng thuốc Nam để đắp lên vết bỏng. Một lần nữa cảnh báo người dân cần có hiểu biết và thận trọng trong điều trị bệnh. Khi bị bỏng cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa sớm, tránh tự ý dùng thuốc, tìm đến những thầy lang, kẻo tiền mất tật mang.
Ý kiến bạn đọc