Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có gần 7.000 ca ung thư phổi mới mắc. Trong số các trường hợp ung thư phổi được phát hiện, có đến 62% không còn khả năng phẫu thuật. Qua nghiên cứu và thực nghiệm, các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự đã chỉ ra rằng, phương pháp chụp X-Quang lồng ngực thẳng giúp sàng lọc và phát hiện sớm các biểu hiện bệnh của ung thư phổi có thể kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư phổi
Hiện nay, ở nước ta số ca mắc ung thư phổi ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, đa phần các trường hợp mắc phải khi được phát hiện đều đã ở vào giai đoạn cuối và gần như không còn khả năng điều trị, cứu chữa. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư phổi ở giai đoạn đầu sẽ giúp bác sỹ tìm được phác đồ điều trị phù hợp, qua đó bệnh nhân được điều trị đúng hướng và giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay ở nước ta chưa có phương pháp nào được ứng dụng hiệu quả trong việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi.
Sau thành công với phương pháp sàng lọc ung thư vú bằng chụp X-Quang tuyến vú, việc phát hiện sớm dấu hiệu bất thường trên phổi (có khả năng là ung thư phổi) cho người bệnh được định hình khi chương trình nghiên cứu, thử nghiệm bằng phương pháp X-Quang do TS Ngô Hữu Phúc và cộng sự thuộc Học việån Kỹ thuật quân sự tiến hành đã mang lại những thành công nhất định.
TS Ngô Hữu Phúc cho biết, khi thực hiện chụp X-Quang lồng ngực thẳng đúng quy cách, tư thế sẽ cho hình ảnh vùng tổn thương. Từ các kết quả trên phim chụp có thể đưa ra giải pháp phân loại dấu hiệu bất thường hỗ trợ chẩn đoán sớm dấu hiệu ung thư thông qua ảnh X-Quang lồng ngực.
Sau khi tiến hành chụp ảnh X-Quang, các bác sỹ sẽ kiểm tra phim X-Quang để tìm ra các dấu hiệu tổn thương đặc biệt, tiếp đó tiến hành các xét nghiệm cơ bản để kiểm chứng những dấu hiệu bất thường với các triệu chứng ung thư phổi hay không. Trên cơ sở đó, các bác sỹ sẽ xây dựng hồ sơ bệnh án, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho bệnh nhân ung thư phổi nhằm giảm thiểu các chi phí phát sinh tốn kém do điều trị ở giai đoạn muộn.
Theo TS. Ngô Hữu Phúc thông thường khi phân tích các dấu hiệu ung thư phổi trực tiếp trên ảnh citi thường rất tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, phương pháp chụp và chẩn đoán qua phim X-Quang sẽ giảm được chi phí so với các phương pháp thông thường (khoảng 20.000 đồng cho một lần chụp). Ngoài ra, phương pháp này vừa có thể phát hiện dấu hiệu bất thường trên ảnh X-Quang lồng ngực vừa tích hợp với các thiết bị y tế khác nhằm nâng cao xử lý tín hiệu đầu ra phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc trích rút đúng vùng phổi trên ảnh X-Quang lồng ngực không dễ, khó phát hiện các tổn thương nhỏ nằm sâu hoặc bỏ sót các tổn thương nằm ở “vùng mù”. Điều này đã được nhóm nghiên cứu khắc phục bằng phương pháp thống kê trong phân đoạn ảnh phổi, phương pháp nâng cao chất lượng hình ảnh, phương pháp máy học và phân loại hợp lý.
Tính ứng dụng cao
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, sản phẩm của đề tài hoàn toàn mới và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Điều này thể hiện qua phương pháp tiếp cận như: đề xuất giải pháp phát hiện nhanh dấu hiệu bất thường trên ảnh X-Quang lồng ngực thẳng; giải pháp phân loại dấu hiệu bất thường đã tìm thấy; hoàn thiện sản phẩm hướng tới người dùng trong cơ sở y tế…
Thực tế, qua nghiên cứu và thực nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, các trường hợp phát hiện ung thư sớm nhờ phương pháp chiếu chụp X-Quang lồng ngực thẳng cho kết quả khá chính xác. Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Duyên, thành viên thực hiện nhóm đề tài, phương pháp sàng lọc bệnh nhân ung thư phổi nếu được triển khai ứng dụng rộng rãi sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như: người hút nhiều thuốc, người thường xuyên tiếp xúc và làm việc trong môi trường khói bụi, khí độc hại hay những đối tượng có tiền sử bệnh phổi.
Tính ứng dụng của đề tài trong thực tiễn còn thể hiện ở mức độ chuyển giao vào sản xuất và khả năng hình thành doanh nghiệp chuyên biệt. Một trong những điểm thiết thực của đề tài này là khi ứng dụng thực tế, đề tài có khả năng mở rộng phạm vi quản lý, theo dõi bệnh nhằm tạo ra hệ thống hoàn chỉnh trong các khâu quản lý, điều trị bệnh tương ứng. Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu về ảnh y tế, nhóm tác giả mở rộng bài toán xác thực sử dụng ven tĩnh mạch - đây là một hướng nghiên cứu mới với khả năng xác thực thuộc nhóm an toàn nhất hiện nay và chưa có khả năng làm giả. Ngoài ra, sản phẩm còn định hướng sẽ được sử dụng trong công tác giảng dạy tại các trường đại học về lĩnh vực y tế…
TS Ngô Hữu Phúc cho biết thêm, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện tính năng giao diện của chương trình, đảm bảo đơn giản dễ hiểu mà vẫn đầy đủ các chức năng. Ảnh chụp lưu của hệ thống đảm bảo độ sắc nét để có thể xác định những điểm bất thường khi chụp, hướng tới khắc phục tối đa những nhược điểm nhầm lẫn như dương tính giả, âm tính giả đồng thời xác định một cách chính xác các vùng tổn thương thông qua phân tích phim chụp.
Sàng lọc phát hiện sớm bệnh nhân ung thư phổi thông qua phương pháp chụp X-Quang lồng ngực thẳng có nhiều triển vọng ứng dụng trong thực tiễn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y này. Đây cũng là bước tiến mới trong việc ứng dụng CNTT để tạo ra những sản phẩm, công nghệ tiên tiến phù hợp với thực tế trang thiết bị y tế và nhu cầu khám chữa bệnh ngày một gia tăng ở nước ta.
Ý kiến bạn đọc