Báo động các bệnh lây từ động vật sang người

18:20, 26/03/2013
|

(VnMedia) - Thông tin được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng năm 2013 cho thấy, các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng.


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có hơn 200 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật được mô tả, gây quan ngại ngày càng tăng.

 

Tại Việt Nam cũng đang gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật, trong đó có những bệnh có thể gây đại dịch như cúm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS). Bên cạnh đó, có thể kể đến những bệnh truyền nhiễm từ động vật gây tử vong cao như nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh dại.


Theo thống kê tại Việt Nam, kể từ ca mắc cúm gia cầm đầu tiên ở người được phát hiện tháng 12/2003 tới tháng 2/2010, Việt Nam có tổng 119 ca mắc cúm gia cầm, trong đó số tử vong chiếm tới 50%, với 59 ca bệnh tử vong.

 

WHO khẳng định, sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố như: sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp...

 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đánh giá, dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Một số bệnh có xu hướng tăng như thủy đậu, quai bị, các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, than, liên cầu lợn… Nguyên nhân là do sự biến đổi của môi trường, sự phát triển của kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật như nhiều dịch bệnh mới xuất hiện, các bệnh dịch tái nổi và sự kháng thuốc…

 

Ông Hiển cho biết, việc nhiều người sử dụng thuốc điều trị không kê đơn cũng là một điều đáng lo ngại. Tình trạng đó sẽ dẫn tới sự biến dị và tăng sức đề kháng của các vi sinh vật gây ra nhiều bệnh dịch mới cũng như gây ra khó khăn cho công tác đều trị.

 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc