Thông tin mới từ cơ quan Y tế Pháp về vụ sữa dê Danlait

20:02, 26/02/2013
|

(VnMedia) -  Sau vụ việc liên quan đến sản phẩm sữa dê Danlait của Pháp, ngày 26/2, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được các thông tin mới từ phía Đại sứ quán Pháp.


Ảnh minh họa

Sữa dê Danlait

Cụ thể, trong bức thư gửi trả lời Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung, ông Jean Luc Angot-Trưởng Cơ quan điều phối Y tế (Pháp) nêu rõ: "Sữa dê dùng để sản xuất sữa trẻ em Danlait được thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vendé bởi nhà máy thuộc Liên hiệp sữa vùng Venise Verte. Cơ sở này, được kiểm tra bởi các đơn vị của tôi, có giấy phép cộng đồng (tức của Liên minh châu Âu) đang còn hiệu lực, đáp ứng tốt quy định hiện hành và duy trì một mức độ cao về vệ sinh trên toàn bộ dây chuyền sản xuất. Tính còn hiệu lực của giấy phép cộng đồng này cho phép cơ sở này bán các sản phẩm của mình tại Pháp và khắp thị trường Liên minh châu Âu.

Do vậy, các sản phẩm Danlait được sản xuất bởi Liên hiệp sữa vùng Venise Verte, cơ sở được công nhận theo mã số duy nhất là FR 85-133-01 CE, được vận chuyển trực tiếp sau quá trình sản xuất tại địa phương (Maillezais-85420) bởi tập đoàn FIT. Toàn bộ các thông tin này nằm trong giấy chứng nhận y tế có chữ ký của các đơn vị của tôi, đã được gửi kèm theo từng chuyến hàng tới các cơ quan chức năng Việt Nam. Tóm lại, mã số duy nhất FR 85-133-01 CE, được in trên mỗi hộp sữa, xác nhận xuất xứ sản phẩm là từ Pháp, chứ không phải từ Trung Quốc như một số tin đồn ở Việt Nam.

Ông Jean Luc Angot khẳng định rằng, nhà máy sữa này thường xuyên sản xuất sữa bột trẻ em, từ sữa bò hoặc dê. Đó là những thực phẩm thuần tuý và không phải là thực phẩm chức năng. Những sản phẩm này cũng được xuất khẩu cả sang Trung Quốc, và vì thế, trên website của công ty FIT có một đường link để tra cứu website này bằng tiếng Hoa.

Lừa dối người tiêu dùng?

Tại cuộc họp giao ban tuần của Bộ Công Thương ngày 25/2, đại diện Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong quá trình kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Mạnh Cầm đã phát hiện công ty này nhập nhằng trong việc ghi nhãn mác. Trên bao bì hộp sữa Danlait có ghi là "thực phẩm bổ sung" nhưng trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm các hộp sữa doanh nghiệp ghi là "sữa dê", gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa thực hiện việc kê khai và niêm yết giá bán. Hiện, Cục QLTT đang tiếp tục làm rõ mức chênh lệch giữa giá nhập và giá bán sữa Danlait để có kết quả sớm nhất.

Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn khẳng định, với hành vi trên, doanh nghiệp đã lừa đảo người tiêu dùng, bởi một sản phẩm sữa trước khi bán ra thị trường phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra và cấp phép. Nội dung khi quảng cáo phải đúng với nội dung giấy phép đã đăng ký về thông tin sản phẩm, không được tự ý thêm bớt. Khi doanh nghiệp quảng cáo không đúng với bản chất thực của sản phẩm thì đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Do vậy, nếu các cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này có sai phạm về chất lượng hàng hóa thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc