(VnMedia) - Gần đây, người tiêu dùng đang rất hoang mang về thông tin sữa dê nhập khẩu mang nhãn hiệu Danlait xuất hiện trên thị trường Việt Nam gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vậy thực hư thế nào?
Sữa dê Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung
Theo ông Kiều Đình Cảnh, phó đội trưởng đội 12, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngày 22/2, phía Quản lý thị trường đã kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm.
Ông Kiều Đình Cảnh cho hay, bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung nhưng trên nhãn phụ lại ghi là "sản phẩm sữa cho trẻ em", đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chủ yếu là đối tượng trẻ em.
Về vấn đề này, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm, người đại diện pháp luật của công ty này cho biết,ban đầu chúng tôi đăng ký ở Việt Nam là "sữa dê Danlait" nhưng theo qui định của Việt Nam, nếu không đạt đủ 34% độ đạm (protein) thì không được gọi là sản phẩm sữa. Do vậy, ở Việt Nam, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép cho sản phẩm này là "Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait"
Tuy nhiên, ở Pháp hàm lượng protein 34% chỉ tồn tại trong thành phần của các sản phẩm sữa bột nói chung dành cho người lớn, còn các công thức sữa cho trẻ em không bao giờ đạt tiêu chuẩn này bởi trẻ em sẽ rất khó hấp thụ. Việc dán nhãn phụ trên sản phẩm của chúng tôi đã có một số ý thể hiện không đúng, nhưng đây là việc làm không nhằm mục đích vụ lợi và Mạnh Cầm cam kết sẽ sửa sai cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật vấn đề này. Ông Đặng Quang Mạnh cho biết thêm, đây cũng là lần đầu tiên Mạnh Cầm kinh doanh sữa nên cũng không hiểu hết được những qui định của pháp luật Việt Nam và Mạnh Cầm sẽ sửa sai.
Ngoài ra, ông Đặng Mạnh Quang đã khẳng định, sản phẩm sữa dê Danlait được sản xuất tại Pháp và nhập khẩu nguyên lon về Việt Nam với đầy đủ các chứng nhận về chất lượng của cơ quan y tế Pháp cũng như Bộ y tế Việt Nam để dành cho trẻ em dưới 3 tuổi và trong vài ngày tới, phía Đại sứ quán Pháp sẽ có thông tin chính thức về sản phẩm Danlait.
|
Sữa dê Danlait có một loại dành cho trẻ 0-12 tháng tuổi, tuy nhiên vì nhà nhập khẩu ghi nhãn phụ là “sữa” mà không ghi “thức ăn bổ sung” khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng sản phẩm cũng giống như sữa bột công thức, có thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ.
Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, gọi là thực phẩm bổ sung nghĩa là bổ sung thêm vitamin, muối khoáng…, có tiêu chuẩn riêng. Còn đã gọi là sữa dành cho trẻ nhỏ thì có tiêu chuẩn riêng về hàm lượng đạm, chất béo…
Theo ông Đáng, như thế là lừa dối người tiêu dùng, mà dù có ghi là thức ăn bổ sung thì cũng không đúng, vì đã gọi là thức ăn bổ sung là ăn thêm, ăn dặm và chỉ dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Việc dùng thức ăn bổ sung với hàm lượng các chất không đảm bảo, cân đối thì trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, còi xương…
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng chỉ là những thứ bổ sung, không thể thay thế hoàn toàn cho sữa được.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, nếu ăn thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng thay cho sữa (do nhầm lẫn) lâu ngày, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất. Sữa là thực phẩm tương đối đầy đủ chất đạm – chất cần thiết để cung cấp cho cơ thể trong khi đó thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chỉ có một hàm lượng nhất định, không đầy đủ như sữa. Do vậy, nếu nhầm lẫn dẫn đến cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung thay cho sữa lâu ngày có thể khiến cơ thể của trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì thiếu chất. Thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung không cung cấp đầy đủ các chất để đáp ứng cho nhu cầu hấp thụ và phát triển toàn diện cơ thể của trẻ nhỏ.
Giá bán gấp 4 lần giá nhập
Trong những ngày gần đây, nhiều người càng nghi ngờ khi phát hiện website www.danlait.fr đăng tải thông tin sơ sài, file ảnh đăng trên web của Pháp nhưng mang tên tiếng Việt, thông tin, hình ảnh cóp nhặt từ một hãng sữa khác…
Đặc biệt, người dân bức xúc hơn nữa về giá sữa thực và giá bán trên thị trường Việt Nam hiện nay. Ông Kiều Đình Cảnh cho biết, qua kiểm tra chứng từ hóa đơn, giá nhập khẩu mỗi lon sữa này là hơn 3 Euro, tức là chỉ khoảng 90.000 đồng. Cộng cả thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10% và lãi, giá bán ra thị trường thể hiện trên hóa đơn của Công ty Mạnh Cầm chỉ là 115.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá khai gian để trốn thuế. Giá thanh toán thực của Mạnh Cầm với các đại lý là 350.000 đồng/hộp. Với những con số này, người tiêu dùng đã bị “móc túi” đến 300.000 đồng/hộp.
Được biết, từ tháng 2/2012, DN này đã được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp 4 giấy chứng nhận được phép nhập khẩu 4 lô hàng với tổng số 40.380 lon, đã bán đi 34.040 lon, còn tồn kho hơn 6.340 lon. Với số lượng này, người tiêu dùng đã bị móc túi hơn 10,2 tỷ đồng. Riêng Công ty Mạnh Cầm đã trốn thuế một khoản tiền xấp xỉ 8 tỷ đồng do chênh lệch giá bán trên hóa đơn và giá thực. Đây mới chỉ là những thiệt hại tính toán được bằng số, những tác hại về mặt sức khỏe của trẻ em do việc lừa dối khách hàng của công ty thì không thể tính toán được.
Ý kiến bạn đọc