Một số bệnh trẻ dễ mắc trong dịp Tết

20:47, 11/02/2013
|

(VnMedia) - Vào dịp Tết, các bậc phụ huynh thường để cho trẻ ăn uống sinh hoạt theo ý thích. Do vậy, trẻ dễ bị một số bệnh tấn công trong dịp này.

Các bệnh về đường hô hấp

Trong dịp tết, theo thống kê của các bệnh viện, số trẻ nhập viện vì nhiễm khuẩn được hô hấp thường tăng cao, thậm chí trẻ trong tình trạng đã nặng suy hô hấp, sốt cao, co giật….

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ đi chơi muộn, khi trời mưa, thời tiết quá lạnh. Khi đi ra ngoài, chú ý mặc ấm, đeo khẩu trang, găng tay, mũ cho trẻ…Ngoài ra nên chú ý cho trẻ ăn đúng bữa, khi trẻ sốt cao nên cho trẻ đi khám bác sĩ, dùng thuốc theo chỉ định.

Ảnh minh họa

Các bệnh về đường tiêu hóa

Ngày Tết, trẻ thường ăn uống quá nhiều so với bình thường. Mặt khác cơ thể trẻ có sức đề kháng kém người lớn. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của trẻ. Bảo quản thức ăn sao cho vệ sinh, đảm bảo ăn chín uông sôi, tốt nhất nấu bữa nào ăn bữa đó. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm ...

Ngộ độc thức ăn

Dịp tết, ngộ độc thức ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Triệu chứng thường gặp là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1 - 6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.

Những thức ăn trên nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.

Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần, tính chất dịch ói, phân và nước tiểu. Lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, sốt cao, phân có máu, khát nhiều, đau bụng nhiều, bụng sình, nhức đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.

Để phòng tránh ngộ độc thức ăn, tốt nhất là đảm bảo thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm. Nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn.  

Tai nạn giao thông

Vào những ngày Tết, tai nạn giao thông thường tăng hơn so với ngày thường. Một trong những nguyên nhân là do người lớn chở trẻ em không chú ý, để trẻ ngủ gật hoặc người lớn chở trẻ nhưng đi ẩu nên khi va chạm với xe khác, các em bị ngã và chấn thương.

Để phòng tránh, ngoài việc tuân thủ tốt luật giao thông, bạn cần lưu ý khi đèo trẻ em phải có ghế để phòng khi trẻ ngủ gật. Ngoài ra, một vấn đề nữa các bậc cha mẹ cần lưu tâm là tình trạng trẻ em mê mải với trò chơi điện tử, quên cả ăn, cả ngủ. Có trẻ ngồi nhiều giờ liền để chơi mà không ăn gây hạ đường huyết hoặc thức thâu đêm gây choáng ngất.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc