Khó khăn quanh nguồn vốn đầu tư cho bệnh viện công

09:30, 05/02/2013
|

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị chuyên gia Về cơ chế vay vốn để xây dựng bệnh viện công do Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa tổ chức mới đây, nhu cầu đầu tư ước tính tối thiểu cho hệ thống y tế công lập là từ 25.000 - 26.000 tỷ đồng/năm, tuy nhiên trên thực tế, tổng chi đầu tư chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm...

Nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế công lập gồm trên 1.100 bệnh viện các tuyến, trên 400 cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh, gần 700 trung tâm y tế tuyến huyện, trên 11.000 trạm y tế xã… Theo phân cấp quản lý ngân sách hiện nay, vốn đầu tư cho các cơ sở y tế do các Bộ, ngành Trung ương quản lý, ngân sách Trung ương bảo đảm. Đối với các cơ sở y tế do địa phương quản lý, ngân sách địa phương bảo đảm. Ngân sách Trung ương có hỗ trợ địa phương để đầu tư nâng cấp hệ thống y tế thông qua vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu y tế quốc gia và hỗ trợ vốn có mục tiêu. Theo thống kê, hiện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có 38 bệnh viện và viện có giường bệnh nhu cầu vốn đầu tư là trên 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ được giao khoảng 800 - 1.100 tỷ đồng/năm. Đối với các khối địa phương, theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước phải cân đối từ ngân sách địa phương, nhưng hiện nay chỉ những tỉnh có nguồn thu lớn, tự cân đối được ngân sách, một số tỉnh có nguồn thu xổ số lớn là có đầu tư từ ngân sách địa phương, còn hầu hết các tỉnh đều trông chờ vào ngân sách Trung ương.

Cũng theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn từ 2008 - 2012, vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí là 18.830 tỷ đồng, chỉ bằng 40,4% so với kế hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt. Nhìn chung mức vốn bố trí có xu hướng ngày càng thấp, năm 2011 thấp hơn năm 2010 là 1.120 tỷ, trong khi đó, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành các dự án đã và đang đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 khoảng 45.652 tỷ đồng, nhưng thực tế được giao là 20.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được trên 40%. Ngoài ra, mỗi năm, vốn đầu tư từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu bố trí được khoảng 500 - 600 tỷ đồng, vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia cũng chỉ được khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Ngoài ngân sách trong nước, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã tích cực, chủ động kêu gọi và dành nguồn ODA cho y tế. Số lượng các dự án, vốn cam kết cho y tế ngày càng tăng, tập trung cho một số ưu tiên như nâng cấp, củng cố mạng lưới y tế, cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, y tế cơ sở, phòng chống bệnh dịch, tiêm chủng mở rộng…

Trước thực tế này, một số tỉnh đã tiến hành huy động vốn, vay vốn, liên doanh, liên kết đặt máy để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp buồng bệnh, mua sắm trang thiết bị, nhất là các tỉnh có điều kiện KT - XH phát triển, như các đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh đã huy động và vay Quỹ kích cầu trên 1.000 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng gần 300 tỷ đồng... Cùng với việc Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông báo 220/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cho các bệnh viện công lập vay vốn để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, đến nay, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với cơ sở khang trang, trang thiết bị hiện đại như Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, một phần Bệnh viện Nội tiết Trung ương...

Có thể thấy, chủ trương cho một số bệnh viện vay vốn để đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện là đúng đắn, phù hợp, góp phần hiệu quả trong việc giảm tải, nâng cao chất lượng điều trị, điều kiện sinh hoạt cho người bệnh. Việc vay vốn cũng góp phần thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc huy động vốn để đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, chú trọng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, qua đó, thúc đẩy kỹ thuật của bệnh viện, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài; kể cả người nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế cũng được hưởng lợi vì ở nhiều bệnh viện, cơ sở hạ tầng trang thiết bị được dùng chung cho toàn bộ bệnh viện.

Tuy nhiên thực tế lại đang có cái khó cũng “bó” trong thực tế sau khi vay vốn để đầu tư xây dựng. Đó là do thời gian ân hạn chỉ có 2 năm, trong khi việc xây dựng của bệnh viện thường kéo dài, vốn ngân sách và vốn vay không đáp ứng kịp, dẫn đến việc bệnh viện vẫn đang xây dựng chưa hoàn thành đưa vào sử dụng nên chưa có nguồn thu nhưng đã phải trả gốc vay và lãi vay. Do đó, bệnh viện phải sử dụng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và thu từ các dịch vụ khác để trả nợ. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Viện Huyết học truyền máu Trung ương, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, việc cho các bệnh viện công lập vay vốn để đầu tư hạ tầng là chính sách đúng đắn, phù hợp, tuy nhiên cũng vô hình trung biến bệnh viện thành con nợ. Hiện tại khả năng trả nợ của các bệnh viện cả gốc và lãi là rất thấp, trong khi vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm về nợ lại chưa được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, do giá dịch vụ y tế hiện nay chưa có khấu hao nên thời gian trả nợ 12 năm là quá ngắn, dẫn đến khả năng trả nợ của các bệnh viện khó khăn, trong khi đó mức lãi suất khá cao, ngang với mức lãi suất đối với doanh nghiệp. GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, để có khả năng trả nợ, viện cũng đã nghĩ đến phương án xin tăng giá viện phí. Nếu theo định mức mà Bộ Y tế đưa ra, tính bình quân 60m2/giường bệnh thì riêng chi phí đầu tư cho một giường bệnh hết khoảng 500 triệu đồng, trả trong 12 năm thì mỗi giường bệnh phải chịu chi phí 120.000đồng/ngày; trong khi đó, với lãi suất 11,6% thì bình quân mỗi giường phải chịu từ 120.000 - 160.000 đồng/ngày tiền lãi. Như vậy, nếu vay vốn thì một ngày một giường điều trị phải chịu từ 240.000 – 280.000 đồng. Với mức giá như vậy liệu người bệnh, mà đặc biệt là bệnh hiểm nghèo như bệnh máu có trả nổi không? 

Trong điều kiện KT – XH hiện nay, vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ còn hạn chế, nên việc vay vốn đầu tư xây dựng vẫn là giải pháp quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị, trong thời gian tới Ngân hàng phát triển Việt Nam tiếp tục cho các bệnh viện vay vốn và ưu tiên vốn đề đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào sử dụng. Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế sớm xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể loại hình, tiêu chí, thẩm quyền quyết định đơn vị được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển để trả nợ gốc vay, hướng dẫn việc kết cấu vào giá dịch vụ để trả nợ gốc vay và lãi vay. Đồng thời, cho kéo dài thời hạn trả nợ từ 12 năm lên 20 - 30 năm để giảm áp lực trả nợ cho các bệnh viện vay vốn. Đặc biệt, đây là khoản vay đầu tư hạ tầng cơ sở cho lĩnh vực an sinh xã hội nên lãi suất cần phải ưu đãi hơn, tạo điều kiện cho các bệnh viện hoàn thành tốt chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc