Trong vòng chưa đầy 4 giờ đồng hồ từ lúc nhập viện, chỉ sau một phát tiêm tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một bệnh nhân đã tử vong.
Cái chết tức tưởi
Chưa hết đau buồn khi vừa tổ chức đám tang tiễn đưa nạn nhân là bà Nguyễn Thị Lan (66 tuổi, trú xóm Đồng Bàu, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) về nơi chín suối, những người con, anh em, họ hàng đã kể lại sự việc trong nước mắt.
Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên, nơi đã xảy ra hàng loạt vụ tử vong, tai biến sản khoa khiến rất nhiều người chết trong những năm vừa qua. |
Sau nhiều lần điều trị không được, ngày 19/2/2013, người nhà đã đưa bà vào nhập viện tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên để tiếp tục điều trị.
"Chúng tôi cũng không yên tâm về khả năng điều trị ở Bệnh viện Cẩm Xuyên, nhưng vì theo đúng tuyến bảo hiểm nên ý định đưa vào làm thủ tục xong rồi xin chuyển viện.
Nhưng khi nhập viện xong, chúng tôi xin chuyển viện thì bệnh viện không cho mà họ giữ lại điều trị và khẳng định sẽ chữa được. Thế mà chỉ sau một phát tiêm, bác ấy đã ra đi..." - một người thân của gia đình nạn nhân xót xa.
Cũng theo thông tin từ người nhà nạn nhân, trước khi nhập viện, bà Lan vẫn tỉnh táo, chuyện trò bình thường. Thậm chí, khi đến viện, bà vẫn ngồi sau xe máy được.
Sau sự việc xảy ra, phía gia đình đã bị "sốc" nên phản ứng, yêu cầu bệnh viện giải thích.
"Chúng tôi cũng không rõ về chuyên môn, họ giải thích thì nghe. Nhưng đã yêu cầu bệnh viện lo toàn bộ chi phí đưa thi thể về và lo tiền mai táng. Phía bệnh viện cũng đã chấp nhận và thực hiện yêu cầu đó" - một người nhà nói.
Bất khả kháng?
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên, ông Phan Thanh Minh cho biết, khoảng 10h, ngày 19/2 nạn nhân Nguyễn Thị Lan nhập viện tại khoa Ngoại.
GĐ Bệnh viện Cẩm Xuyên, ông Phan Thanh Minh cho rằng nạn nhân tử vong do bị sốc phản vệ?
Tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân nhiễm trùng hoại tử ngón bàn chân trái do viêm tắc tĩnh mạch.
Đến khoảng 10h45 cùng ngày, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Trinh tiêm một mũi kháng sinh Xêphôtaxin thì xảy ra sốc phản vệ.
Lúc đó, bệnh nhân nổi mẩn toàn thân, cơ thể tím tái, tụt huyết áp.
Sau sự việc, lãnh đạo bệnh viện tập trung hội chẩn, rồi gọi điện cho bệnh viện tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế để xin ý kiến, tư vấn.
Qua điện thoại, họ đã chỉ đạo thống nhất điều trị theo phác đồ sốc phản vệ nên cho tiêm thuốc Ađrênalin.
Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện tỉnh cũng đã cử người vào phối hợp tập trung để cấp cứu, nhưng đã không thể cứu được. Bệnh nhân tử vong lúc 13h45 ngày 19/2.
Ông Minh cũng cho rằng, đối với sốc phản vệ tử vong là bất khả kháng. Bởi, tỉ lệ tử vong của tình trạng này là quá cao. Đó là một tai nạn ngoài ý muốn!?
Trước đó, chúng tôi đã từng nhiều lần phản ánh, tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên đã xảy ra nhiều trường hợp tai biến sản khoa, sản phụ tử vong, thai nhi tử vong do sai sót về chuyên môn và sự tắc trách của đội ngũ y, bác sĩ.
Đáng chú ý, trong lúc làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Cẩm Xuyên, phóng viên được vị Giám đốc này đưa máy điện thoại để nghe. Đầu dây một người xưng là Đ.M.L xin không đăng tải thông tin về sự việc. Sau khi tìm hiểu, được biết, Đ.M.L đang là giảng viên tại một trường ĐH ở Huế và năm 2010 đã từng bị báo chí đưa về hành vi 'giả mạo phóng viên, vòi tiền CSGT'. Sau cuộc làm việc với lãnh đạo bệnh viện và trao đổi của Đ.M.L, chiều cùng ngày, phóng viên nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ 2 số điện thoại lạ 094301... và 098907... đe dọa. ‘‘Mày muốn gia đình yên thân thì vừa thôi’’, tin nhắn đe dọa. Và sau đó là cú điện thoại nói sẽ đưa người đến nhà "xử". Nghi ngờ người trong bệnh viện đe dọa, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Cẩm Xuyên xác minh các số điện thoại trên. Đến cuối ngày, Giám đốc Bệnh viện Cẩm Xuyên thông tin, người gọi điện, nhắn tin đe dọa phóng viên có tên T., hiện đang làm ở khoa Nhi của Bệnh viện Cẩm Xuyên. Ông Minh cũng khẳng định, việc T. đe doạ không liên quan gì đến ông!? |
Ý kiến bạn đọc